Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB): KQKD vượt kỳ vọng nhờ chi phí hoạt động & lãi thuần dịch vụ khả quan hơn dự báo

        Nguồn: HSC

KQKD vượt kỳ vọng nhờ chi phí hoạt động & lãi thuần dịch vụ khả quan hơn dự báo

 

 

 

  • MBB đã công bố LNTT Q3/2023 đạt 7.284 tỷ đồng (tăng 15,7%) nhờ tổng thu nhập hoạt động (tăng 9,8%) tăng khá và chi phí hoạt động giảm (giảm 10,6%) mặc dù chi phí dự phòng tăng mạnh (tăng 50,5%). LNTT 9 tháng (tăng 10%) bằng 77% dự báo của HSC cho cả năm 2023.
  • Tín dụng Q3/2023 tăng 2,8% và tỷ lệ NIM đi ngang. Tuy nhiên, chất lượng tài sản suy giảm với tỷ lệ nợ xấu là 1,89% (tăng 44 điểm cơ bản so với quý trước) và hệ số LLR đạt 122% (giảm 34% so với quý trước).
  • HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo sau KQKD Q3/2023. Hiện MBB có P/B dự phóng năm 2023 là 0,94 lần; chiết khấu 7% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân ở mức 1,01 lần.
 
Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2023
 
MBB đã công bố LNTT Q3/2023 đạt 7.284 tỷ đồng (tăng 15,7% so với cùng kỳ). Thu nhập lãi thuần (tăng 8,6% so với cùng kỳ) và thu nhập ngoài lãi (tăng 15,7% so với cùng kỳ) tăng khá cộng với chi phí hoạt động giảm (giảm 10,6% so với cùng kỳ) giúp LNTT tăng trưởng mặc dù chi phí tín dụng tăng mạnh (tăng 50,5% so với cùng kỳ). LNTT 9 tháng đầu năm 2023 (tăng 10% so với cùng kỳ) bằng 77% dự báo của HSC cho cả năm 2023, cao hơn ước tính của chúng tôi một chút chủ yếu nhờ chi phí hoạt động và lãi thuần HĐ dịch vụ khả quan hơn kỳ vọng.
 
Tín dụng tăng trưởng ổn định trong Q3/2023
 
Tín dụng Q3/2023 tăng 2,8% so với quý trước đạt 574 tỷ đồng (tăng 13,9% so với đầu năm), kém hơn nếu so với mức tăng 10,8% trong 6 tháng đầu năm 2023 nhưng HSC vẫn đánh giá đây là mức tăng trưởng khá nếu xét trong bối cảnh vĩ mô khó khăn hiện nay. Số dư TPDN của Ngân hàng tiếp tục giảm còn 38 nghìn tỷ đồng (giảm 6,5% so với quý trước và giảm 12,8% so với đầu năm), chiếm 6,6% tổng tín dụng.
 

Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng tăng lên 480 tỷ đồng (tăng 0,9% so với quý trước và tăng 8,1% so với đầu năm) và giấy tờ có giá tăng lên 116 nghìn tỷ đồng (tăng 3,2% so với quý trước và tăng 20,1% so với đầu năm) trong khi vay liên ngân hàng giảm 12,8% so với quý trước xuống còn 76 nghìn tỷ đồng (vẫn tăng 16,7% so với đầu năm). Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của MBB giảm nhẹ 110 điểm cơ bản trong kỳ xuống còn 36% nhưng vẫn là mức cao nhất trong số các NHTM HSC khuyến nghị.
 
Tỷ lệ NIM đi ngang so với quý trước và vẫn thuộc nhóm cao nhất
 
Tỷ lệ NIM Q3/2023 gần như đi ngang so với quý trước ở mức 5,02% (giảm 75 điểm cơ bản so với cùng kỳ) với lợi suất gộp (giảm 39 điểm cơ bản so với quý trước nhưng tăng 53 điểm cơ bản so với cùng kỳ) giảm tương ứng với chi phí huy động (giảm 40 điểm cơ bản so với quý trước nhưng tăng 153 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Đáng chú ý là lợi suất cho vay giảm 50 điểm cơ bản so với quý trước trong khi chi phí huy động tiền gửi khách hàng giảm 46 điểm cơ bản so với quý trước. Tỷ lệ NIM của MBB không cải thiện so với quý trước mặc dù chi phí huy động giảm - và điều này nhiều khả năng là do Ngân hàng áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho khách hàng gặp khó khăn. Tuy nhiên, tỷ lệ NIM ở mức 5% vẫn thuộc nhóm cao nhất trong ngành và cho thấy chất lượng huy động/tiền gửi không kỳ hạn của MBB thuộc top đầu.
 
Chất lượng tài sản kém đi
 
Tỷ lệ nợ xấu xủa MBB Q3/2023 tăng 44 điểm cơ bản lên 1,89% từ 1,44% tại thời điểm cuối Q2/2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm 62 điểm cơ bản so với quý trước xuống còn 2,97% từ 3,59% tại thời điểm cuối Q2/2023. HSC cho rằng tỷ lệ nợ xấu tăng xuất phát từ phân khúc khách hàng cá nhân, đặc biệt từ cho vay mua nhà vì Ngân hàng đã thể hiện sự quan ngại về lĩnh vực cho vay này trong các cuộc tiếp xúc gần đây.
 
Chi phí dự phòng tăng mạnh 50,5% so với cùng kỳ lên 1.447 tỷ đồng trong Q3/2023, theo đó chi phí tín dụng là 1,09% (tăng từ 0,87% trong Q3/2022). Ngân hàng đã xóa 787 tỷ đồng nợ xấu trong Q3/2023 sau khi đã xóa tới hơn 3,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong 2 quý trước đó (tỷ lệ xóa nợ xấu 12 tháng gần nhất là 0,98%). Hệ số LLR tiếp tục giảm còn 122% (từ 238%/156% tại thời điểm cuối Q4/2022-Q2/2023) nhưng vẫn cao hơn so với hầu hết các NHTM tư nhân khác.
 
Nói chung, chất lượng tài sản của MBB kém hơn một chút so với kỳ vọng của HSC và chúng tôi sẽ trao đổi với Ngân hàng để biết thêm chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên, với lãi suất cho vay giảm và nền kinh tế hồi phục, HSC vẫn lạc quan về triển vọng về chất lượng tài sản của MBB trong những quý tới.
 
Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ và lãi mua bán trái phiếu
 
Thu nhập ngoài lãi Q3/2023 tăng 15,7% so với cùng kỳ đạt 2.253 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ (đạt 1.079 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ) và lãi mua bán trái phiếu (đạt 367 tỷ đồng, tăng 114,5% so với cùng kỳ) tăng mạnh. Trong cơ lãi thuần HĐ dịch vụ, lãi thuần dịch vụ thanh toán & lãi thuần hoạt động nguồn vốn tăng mạnh 50,5% so với cùng kỳ đạt 614 tỷ đồng, nhiều khả năng là nhờ Ngân hàng thu hút thêm được khách hàng từ đầu năm. Lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối kém khả quan, đạt 224 tỷ đồng (giảm 44,1% so với cùng kỳ) và thu nhập thuần khác giảm nhẹ còn 571 tỷ đồng (giảm 2,5% so với cùng kỳ).
 
Chi phí hoạt động giảm nhờ chi phí nhân viên
 
Chi phí hoạt động Q3/2023 giảm 10,6% so với cùng kỳ xuống 3.334 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chi phí nhân viên giảm 18,6% so với cùng kỳ còn 1.694 tỷ đồng trong khi chi phí ngoài nhân viên gần như đi ngang (giảm 0,5% so với cùng kỳ xuống 1.640 tỷ đồng). Số lượng nhân viên của MBB đã tăng nhẹ 0,7% so với quý trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ lên 16.219 người.
 
Với chi phí hoạt động giảm trong khi tổng thu nhập hoạt động vẫn tăng trưởng khá, tỷ lệ CIR Q3/2023 của MBB đã giảm đáng kể xuống còn 27,6% từ 33,9% trong Q3/2022 và 35,8% trong Q2/2023.
 
HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo
 
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo sau khi Ngân hàng công bố KQKD Q3/2023. Hiện MBB có P/B dự phóng năm 2023 là 0,94 lần; chiết khấu 7% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân ở mức 1,01 lần..