Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB): Lợi nhuận phù hợp với dự báo và chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt

Nguồn: VCSC

Lợi nhuận phù hợp với dự báo và chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt

 

MBB

 

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) công bố KQKD hợp nhất năm 2022 với LNTT đạt 22,7 nghìn tỷ đồng (+38% YoY), hoàn thành 100% dự báo năm 2022 của chúng tôi và chủ yếu đến từ (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 37,5% YoY cũng như (2) lợi nhuận từ giao dịch ngoại hối tăng mạnh 28,0% YoY. LNTT quý 4/2022 đạt 4,5 nghìn tỷ đồng (-28% so với quý 3/2022). Nhìn chung, lợi nhuận của MBB phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

  • Tăng trưởng tín dụng hợp nhất năm 2022 đạt 25,0% YoY, đến từ (1) tăng trưởng cho vay 26,7% và (2) tăng trưởng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp 10,6%. Chúng tôi lưu ý rằng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đã giảm 4,5% QoQ trong quý 4/2022.
  • NIM 2022 tăng 63 điểm cơ bản YoY đạt 5,67% so với dự báo của chúng tôi là 5,58%. Ngoài ra, MBB đã tăng tỷ trọng dư nợ cho vay bán lẻ trên tổng dư nợ lên 48,2% trong quý 4/2022 so với 46,1% trong quý 4/2021 và chúng tôi cho rằng điều này đã hỗ trợ NIM.
  • Tăng trưởng huy động tiền gửi khách hàng năm 2022 đạt 15,3% YoY so với dự báo của chúng tôi là 6,0% YoY. Tỷ lệ CASA trong quý 4/2022 đã giảm 8,1 điểm % YoY xuống còn 40,6%, tuy nhiên đây vẫn là mức cao nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi.
  • CIR hợp nhất năm 2022 cải thiện 1 điểm % YoY đạt 32,5% so với dự báo cả năm của chúng tôi là 33,5% do tổng thu nhập từ HĐKD (TOI) tăng trưởng mạnh ở mức 23,4% YoY.
  • Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt hơn so với kỳ vọng của chúng tôi. Trong khi đó, tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng/tổng dư nợ hợp nhất năm 2022 ở mức 0,96%, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.

NII tăng trưởng mạnh và vượt dự báo của chúng tôi. MBB báo cáo mức tăng trưởng NII năm 2022 đạt 37,5% YoY, do (1) NIM tăng 63 điểm cơ bản YoY, (2) tốc độ tăng trưởng cho vay cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi và (3) tăng tỷ trọng mảng cho vay bán lẻ trên tổng dư nợ cho vay.

MBB đạt tỷ lệ CASA cao nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi. Tương tự như hầu hết các ngân hàng đã báo cáo, tiền gửi khách hàng của MBB tăng mạnh trong quý 4/2022 (+17,6% QoQ) và vượt kỳ vọng của chúng tôi, có thể là do (1) tác động tích cực của việc tăng lãi suất huy động trong quý 4/2022 và (2) hoạt động thu hút khách hàng mới của MBB khá tốt (chúng tôi lưu ý rằng khoảng 40% khách hàng của MBB tính đến quý 3/2022 là khách hàng mới trong 9 tháng 2022). Mặc dù lãi suất tiền gửi tăng tạo ra áp lực giảm đối với tỷ lệ CASA của MBB, nhưng lượng CASA của ngân hàng này đã tăng 12,6% QoQ trong quý 4/2022 và hỗ trợ MBB đạt được tỷ lệ CASA cao nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng MBB có lợi thế trong việc tiếp tục giữ vững tỷ lệ CASA cao hơn so với các công ty cùng ngành nhờ lượng CASA ổn định đến từ các đơn vị kinh tế của quân đội và các công ty con.

Thu nhập phí ròng (NFI) cao bù đắp cho thu nhập ngoài lãi khác kém khả quan. Lợi nhuận ròng từ đầu tư mua bán chứng khoán năm 2022 là 1,5 nghìn tỷ đồng, chỉ hoàn thành 78% dự báo cả năm của chúng tôi, chủ yếu là do các diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán và thị trường TPDN trong năm. Tuy nhiên, NFI năm 2022 đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (-5,3% YoY), hoàn thành 104% dự báo cả năm của chúng tôi nhờ thu nhập phí cao từ dịch vụ bảo hiểm, thanh toán và ngân quỹ.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt; chi phí tín dụng cao hơn dự kiến. Tỷ lệ nợ xấu trong quý 4/2022 của MBB đạt 1,09% (+5 điểm cơ bản QoQ & 19 điểm cơ bản YoY) so với dự báo cả năm của chúng tôi là 1,30%. Ngoài ra, tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng trên tổng dư nợ hợp nhất năm 2022 là 0,96% so với dự báo cả năm của chúng tôi là 1,25%. Trong khi đó, chi phí dự phòng hợp nhất năm 2022 là 8 nghìn tỷ đồng (+0,2% YoY) và vượt kỳ vọng của chúng tôi, hoàn thành 117% dự báo cả năm của chúng tôi. Do đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của MBB vẫn ở mức cao là 238% (+30 điểm cơ bản YoY) so với 268% vào cuối năm 2021 mặc dù nợ xấu tăng 54,0% YoY vào năm 2022.