Nguồn: SSI
Cập nhật kết quả kinh doanh Q2/2022
Lợi nhuận quý 2/2022
VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2,7 nghìn tỷ đồng (tăng 27,8% so với cùng kỳ) trong quý 2 và 5 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ) trong 6 tháng đầu năm 2022, hoàn thành 48% kế hoạch của ĐHCĐ – và đang đi đúng kỳ vọng của SSI Research. Động lực cho tăng trưởng lợi nhuận trong kỳ là mức tăng tương đối tốt của thu nhập lãi (tăng 25% so với cùng kỳ) khi tín dụng tăng 9,7% so với đầu năm và khả năng kiểm soát chi phí ở mức hợp lý. Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhưng chất lượng tài sản là điểm cần chú ý khi tỷ lệ nợ xấu trong quý 2/2022 đã tăng 6 bps so với quý trước, lên mức 2,45%. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ ở mức 54% - mức thấp nhất trong các ngân hàng chúng tôi đang nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ ngân hàng công bố số dư các khoản vay tái cơ cấu Covid-19 để có được đánh giá toàn diện hơn về chất lượng tài sản của VIB.
Tín dụng bán lẻ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng. Dư nợ cho vay của VIB đã đạt hơn 224 nghìn tỷ đồng (tăng 9,7% so với đầu năm) tại thời điểm cuối tháng 6/2022. Trong đó, cho vay mua nhà vẫn là động lực tăng trưởng tín dụng chính của VIB, với dư nợ đạt gần 100 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với đầu năm, và tăng 10% so với quý trước). Chúng tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm của VIB có thể chậm hơn so với nửa đầu năm, theo xu hướng chung của ngành.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, VIB đã tăng lãi suất huy động đối với khoản tiền gửi có số dư lớn (trên 5 tỷ đồng), cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ, với mức tăng là 0,2% ~ 1,3% so với quý trước đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng. Điều này có thể đã khiến nguồn vốn ngắn hạn tăng lên trong kỳ. Trong khi đó, phần lớn các khoản cho vay mới là các khoản cho vay mua nhà dài hạn, điều này giải thích cho việc tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn tăng lên trong quý 2/2022 đạt 29%.
NIM giảm 2 bps so với quý trước, xuống mức 4,68% do các nguyên nhân sau:
Theo quan điểm của chúng tôi, viêc tín dụng tăng trưởng chậm lại có thể gây áp lực lên NIM trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, NIM được dự đoán vẫn sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2021 do mức nền so sánh tương đối thấp.
Đa dạng hóa nguồn thu nhập từ phí. Mặc dù doanh thu từ bancassurance tăng 3,4% so với cùng kỳ trong quý 2/2022, nhưng lợi nhuận lũy kế từ bancassurance vẫn giảm 13% so với cùng kỳ xuống còn 511 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận từ bancassurance sẽ được cải thiện, nhờ các khoản phí trả trước liên quan đến việc ký mới hợp đồng bancassurance với Prudential trong quý 3/2022. Mặt khác, khoản phí liên quan đến thư tín dụng trả chậm (UPAS LCs) đã góp phần giúp thu nhập phí từ hoạt động thanh toán tăng trưởng mạnh 48,6% so với cùng kỳ, đạt 900 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Upas LC (viết tắt của Usance Payable At Sight LC) là phương thức thanh toán tín dụng chứng từ trả chậm (thời gian trả chậm có thể lên đến 12 tháng), nhưng các nhà xuất khẩu nước ngoài có thể được thanh toán ngay lập tức thông qua ứng trước từ các ngân hàng đại lý nước ngoài. Trên thực tế, có một số loại phí LC, trong đó lớn nhất là phí bảo lãnh thanh toán, với mức phí 5,5% đến 6% hàng năm. Trong điều kiện thắt chặt tín dụng như hiện nay, chúng tôi cho rằng Ngân hàng có thể đã đẩy mạnh triển khai UPAS LC để cải thiện bảng cân đối kế toán và thu nhập.
Các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tài sản có dấu hiệu suy giảm. Nợ xấu đạt 5,4 nghìn tỷ đồng (tăng 16% so với đầu năm, và 6% so với quý trước), đẩy tỷ lệ nợ xấu lên 2,45% (so với quý 1/2022 là 2,35%). Chúng tôi tin rằng sự gia tăng về nợ xấu chủ yếu là do việc phân loại lại nợ từ CIC, và một phần đến từ nợ cơ cấu do Covid19. Ngoài ra, nợ xấu có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn khi Thông tư 14 hết hiệu lực. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VIB hiện ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng mà chúng tôi nghiên cứu là 54% trong Quý 2 năm 2022 (51,4% trong Quý 4 năm 2021).