Nguồn: HSC
Giai đoạn tăng trưởng mới; duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng
Tóm tắt
Chúng tôi duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với VIB và nâng 14% giá mục tiêu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư lên 48.400đ sau khi nâng dự báo năm 2022-2023.
HSC nâng bình quân 12,7% dự báo lợi nhuận năm 2022-2023 sau khi nâng dự báo thu nhập lãi thuần và giảm dự báo chi phí HĐ, mặc dù nâng giả định chi phí dự phòng. Chúng tôi đưa ra đự báo lần đầu cho năm 2024 với lợi nhuận thuần tăng trưởng 20,4%.
Hiện VIB có P/B dự phóng năm 2022 là 2,17 lần, cao hơn 37% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân (1,58 lần) và cao hơn 15% so với NHTM tư nhân tương đồng nhất là TPB (1,88 lần). Ngân hàng cần nâng cao chất lượng tài sản để xứng đáng với mức thặng dư định giá trên.
Sự kiện: Phân tích KQKD năm 2021 và triển vọng năm 2022- 2024
Lợi nhuận thuần năm 2021 của VIB tăng mạnh và đạt 6.410 tỷ đồng (tăng trưởng 38%), chủ yếu nhờ tổng thu nhập HĐ tăng mạnh (tăng 32,8%) và chi phí HĐ được kiểm soát tốt (tăng 18%), mặc dù chi phí dự phòng tăng mạnh (tăng 68%).
Từ 2022, HSC tin rằng đà tăng trưởng lợi nhuận sẽ được duy trì nhờ tăng trưởng tín dụng cao, tỷ lệ NIM ổn định và chi phí HĐ được kiểm soát tốt. Trái lại, chi phí dự phòng nhiều khả năng tăng mạnh trước chính sách trích lập quyết liệt hơn.
Tác động: Nâng dự báo lợi nhuận thuần năm 2022-2023
HSC nâng 12,2% dự báo lợi nhuận thuần cho năm 2022 và nâng 13,2% cho năm 2023; đồng thời đưa ra dự báo lần đầu cho năm 2024 với lợi nhuận thuần tăng trưởng 20,4%. Dự báo mới dựa trên tăng trưởng thu nhập lãi thuần ổn định và chi phí HĐ được kiểm soát tốt mặc dù chi phí tín dụng tăng. Theo dự báo mới của HSC – cao hơn khoảng 5% so với bình quân dự báo của thị trường – EPS giai đoạn 2021-2024 sẽ tăng với tốc độ CAGR 23,2%.
Định giá và khuyến nghị
Giá cổ phiếu VIB đã tăng 4% trong 3 tháng qua trong khi giá cổ phiếu bình quân nhóm NHTM tư nhân gần như đi ngang. Theo đó, hiện VIB có P/B dự phóng năm 2022 là 2,17 lần, cao hơn 37% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân (1,58 lần) và cao hơn 15% so với NHTM tư nhân tương đồng nhất là TPB (1,88 lần).
HSC nâng 14% giá mục tiêu cho VIB lên 48.400đ (tiềm năng tăng giá 9%) và giữ nguyên khuyến nghị Tăng tỷ trọng.
HSC ưa thích VIB vì đà tăng trưởng mạnh, mô hình kinh doanh tinh gọn và định hướng bán lẻ, nền tảng ngân hàng số mạnh và năng lực tạo ra thu nhập phí dịch vụ tốt; và giúp hệ số ROE của VIB vượt trội so với bình quân ngành (30,3% so với 20,1%). Tuy nhiên, chất lượng tài sản của VIB bị xếp sau nhiều NHTM khác vì tỷ lệ nợ xấu cao hơn và hệ số LLR mỏng hơn. HSC tin rằng VIB cần nâng cao chất lượng tài sản để duy trì và xứng đáng với mức thặng dư định giá.