Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB): KQKD Q4/2021 hồi phục và vượt dự báo

Nguồn: HSC

KQKD Q4/2021 hồi phục và vượt dự báo

 

VIB

Tóm tắt

Lợi nhuận của VIB Q4/2021 tăng 50% đạt 2.138 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh và chi phí hoạt động giảm. Lợi nhuận thuần cả năm 2021 đạt 6.408 tỷ đồng, tăng trưởng 38% và bằng 106% dự báo của HSC.

Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,75% vào cuối Q4/2021 từ 2,12% tại cuối Q3/2021 trong khi chi phí dự phòng trong kỳ tăng mạnh lên 134%.

Hiện P/B dự phóng năm 2022 là 2,2 lần so với bình quân P/B dự phóng 1 năm trong quá khứ là 2,19 lần. HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2021 vào ngày 20/1

VIB đã công bố BCTC Q4/2021 với lợi nhuận tăng ấn tượng, tăng 50% so với cùng kỳ và đạt 2.138 tỷ đồng; chủ yếu nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh (tăng 35% so với cùng kỳ) và chi phí hoạt động giảm (giảm 7% so với cùng kỳ) mặc dù chi phí dự phòng tăng mạnh (tăng 134% so với cùng kỳ).

Lợi nhuận thuần cả năm 2021 đạt 6.408 tỷ đồng, tăng trưởng 38% và vượt 6% dự báo của HSC.

Tín dụng tăng trưởng mạnh & tỷ lệ NIM cải thiện trong quý

Tổng tín dụng Q4/2021 tăng 19% so với cùng kỳ (tăng 8,3% so với quý trước) đạt hơn 200 nghìn tỷ đồng; chủ yếu nhờ cho vay khách hàng cá nhân (tăng 24% so với cùng kỳ). Hiện cho vay khách hàng cá nhân chiếm gần 90% tổng dư nợ tại thời điểm cuối Q4/2021 (tăng từ 86,2% tại thời điểm cuối Q3/2021), mức cao nhất trong các NHTM HSC khuyến nghị.

Về mặt huy động, tổng vốn huy động tăng 27% so với cùng kỳ đạt 280 nghìn tỷ đồng, nhờ tiền gửi khách hàng và trái phiếu thương mại tăng (lưu ý: Ngân hàng chưa công bố cơ cấu vốn huy động). Sau khi phát hành đáng kể vốn cấp 2, hiện hệ số CAR của VIB đã tăng lên 11,4% từ 9,3% tại thời điểm cuối Q2/2021.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q4/2021 đã tăng lên mức cao kỷ lục là 16% từ 13,7% tại thời điểm cuối Q3/2021 và 12,2% tại thời điểm cuối năm 2020.

Tỷ lệ NIM tăng mạnh 51 điểm cơ bản lên 4,97% trong năm 2021 nhờ chi phí huy động (giảm 110 điểm cơ bản) giảm mạnh hơn lợi suất gộp (giảm 64 điểm cơ bản). Ngoài việc chi phí huy động giảm (trên toàn hệ thống), tỷ lệ NIM của VIB cải thiện còn nhờ tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng.

Theo đó, thu nhập lãi thuần năm 2021 tăng trưởng mạnh 39% lên 11,8 nghìn tỷ đồng, cao hơn 6% so với dự báo của HSC.

Thu nhập ngoài lãi hồi phục mạnh trong Q4

Thu nhập ngoài lãi Q4/2021 tăng mạnh 44% so với cùng kỳ lên 1.165 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ tăng mạnh (tăng 27% so với cùng kỳ) lên 954 tỷ đồng. Sự hồi phục mạnh trong Q4/2021 đã giúp lãi thuần HĐ dịch vụ cả năm 2021 tăng trưởng 15% đạt 2.742 tỷ đồng, cải thiện rõ rệt so với 9 tháng đầu năm 2021 (lãi thuần HĐ dịch vụ 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ sau khi giảm 17% so với cùng kỳ trong Q3/2021 trong bối cảnh giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt tại khu vực phía Nam).

Theo ban lãnh đạo, thu nhập từ hoa hồng bancassurance năm 2021 của VIB đóng góp xấp xỉ 50% tổng lãi thuần HĐ dịch vụ và tăng trưởng 10%. Đồng thời, thu nhập dịch vụ thanh toán và thu nhập dịch vụ khác tăng 20% so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu thực hiện các giao dịch ngân hàng số tăng trong thời gian giãn cách xã hội. Tỷ trọng đóng góp của lãi thuần HĐ dịch vụ vào tổng thu nhập hoạt động đã tăng lên 20,7% từ 20,1% trong năm 2020.

VIB cũng đã ghi nhận lãi mua bán trái phiếu kỷ lục là 164 tỷ đồng trong Q4/2021 trong khi các nguồn thu nhập ngoài lãi còn lại không đáng kể.

Chi phí hoạt động giảm trong Q4

Chi phí hoạt động Q4/2021 giảm 7% so với cùng kỳ xuống còn 1.214 tỷ đồng; theo đó, chi phí hoạt động cả năm 2021 chỉ tăng 18% (cải thiện đáng kể so với mức tăng 31% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021) lên 5.287 tỷ đồng.

Với tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh hơn chi phí hoạt động, hệ số CIR của VIB năm 2021 đã giảm còn 35,5% từ 39,8% trong năm 2020.

Chất lượng tài sản cải thiện và chi phí dự phòng tăng

Tỷ lệ nợ xấu của VIB giảm còn 1,75% tại thời điểm cuối Q4/2021 từ 2,12% tại thời điểm cuối Q3/2021. Chi phí dự phòng Q4/2021 tăng 134% so với cùng kỳ lên 679 tỷ đồng; theo đó chi phí tín dụng quy năm tăng lên 0.79% từ 0,64% trong năm 2020.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

Theo dự báo hiện tại của HSC, VIB có P/B dự phóng năm 2022 là 2,2 lần so với bình quân P/B dự phóng 1 năm trong quá khứ là 2,19 lần. Giá cổ phiếu VIB đã tăng khoảng 20% trong 3 tháng qua và hiện đã vượt giá mục tiêu của chúng tôi.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.