Nguồn: VCSC
Mảng thẻ tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh
Chiến lược tập trung vào bán lẻ giúp hạn chế tác động tiêu cực tiềm ẩn từ rủi ro liên quan tới thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đối với VIB. Tính đến năm 2022, cho vay bán lẻ chiếm 90% dư nợ cho vay của VIB và trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 1% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng. Trong khi đó, các khoản cho vay thế chấp chiếm khoảng 47% danh mục cho vay tính đến năm 2022. VIB cho biết (1) ngân hàng chỉ cho vay đối với các dự án đã hoàn thành đủ điều kiện và nhà ở đã có sổ hồng, sổ đỏ và (2) ngân hàng cũng thận trọng trong việc định giá tài sản thế chấp. Vì vậy, kể cả khi giá thị trường bất động sản giảm 30%-40% thì ngân hàng vẫn kiểm soát được rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những khó khăn hiện tại trên thị trường bất động sản và môi trường lãi suất cao hiện nay có thể tạo ra tác động tiêu cực đến việc hình thành nợ xấu của VIB.
Mảng thẻ dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ thu nhập từ phí trong thời gian tới. Theo VIB, số lượng thẻ có hiệu lực tăng 48% trong năm 2022 và tổng chi tiêu qua thẻ tăng 88% YoY. Ngoài ra, VIB có thị phần thuộc top 3 (12%) về chi tiêu thẻ vào năm 2022 và đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách với 2 đối thủ dẫn đầu vào năm 2023. VIB cũng là ngân hàng Việt Nam thứ hai (sau VCB) được chọn làm đối tác của American Express. Chúng tôi tin rằng hoạt động hiệu quả của VIB trong mảng thẻ sẽ không chỉ giúp tăng thu nhập từ phí mà còn hỗ trợ NIM của ngân hàng do cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng là mảng cho vay có lợi suất cao.
Chúng tôi giữ nguyên giả định về việc VIB sẽ tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) trong 4 năm tới. LLR năm 2022 của VIB là 53.9%,mức thấp nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi. Mặc dù ngân hàng cho thấy sự tự tin trong quản lý rủi ro của danh mục cho vay và định giá tài sản thế chấp, chúng tôi cho rằng mức LLR hiện nay là thấp so với LLR trung bình là 106.9% của các ngân hàng tập trung vào bán lẻ như ACB, TPB, VPB và HDB. Do đó, chúng tôi tăng dần tỷ lệ LLR lên khoảng 77% vào năm 2027.