Nguồn: VCSC
Mục tiêu tăng trưởng mạnh cùng với sự tự tin trong quản trị rủi ro
Kế hoạch lợi nhuận năm 2023 cao hơn dự báo hiện tại của chúng tôi. Kế hoạch LNTT của Ban lãnh đạo là 12,2 nghìn tỷ đồng (+15,3% YoY) so với dự báo của chúng tôi là 11,1 nghìn tỷ đồng (+5,3% YoY). Ngoài ra, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023 của VIB là 25% YoY, cao hơn dự báo hiện tại của chúng tôi là 15,6% YoY. Ở kịch bản kém thuận lợi hơn, ban lãnh đạo kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng khoảng 15% trong năm 2023. Mặc dù tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2023 không được công bố, VIB cho biết tốc độ tăng trưởng chậm, do (1) Tết Nguyên đán và (2) ngân hàng muốn chọn lọc hơn trong giải ngân để đảm bảo chất lượng tín dụng trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay. Ngân hàng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn 25% trong năm 2023 sẽ không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của VIB do ban lãnh đạo đã cân nhắc nhiều yếu tố như chi phí dự phòng, chi phí quản lý doanh nghiệp và huy động vốn. Theo ngân hàng, NIM của VIB tăng nhẹ trong 2T 2023; tuy nhiên, ngân hàng kỳ vọng NIM sẽ giảm trong vài tháng tới, ở mức 4,5%-4,6% (tương đối ổn định so với NIM năm 2022), do ngân hàng đang thực hiện theo định hướng của Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm một số lãi suất điều hành ngày 14/3/2023.
Ban lãnh đạo cung cấp thêm thông tin về các rủi ro liên quan tới danh mục cho vay của VIB. Ban lãnh đạo cho biết 90% danh mục cho vay của công ty là khách hàng cá nhân và 91% danh mục cho vay bán lẻ là các khoản cho vay có bảo đảm; trong khi đó, 9% chủ yếu là cho vay tín chấp qua thẻ tín dụng. Khoảng 50% danh mục cho vay bán lẻ là các khoản thế chấp với giá trị khoản vay trên tài sản đảm bảo (LTV) khoảng 70%-80%. Ngoài ra, VIB cho biết ngân hàng (1) chỉ cho vay đối với các dự án đã hoàn thành đủ điều kiện pháp lý cũng như bất động sản có sổ hồng, sổ đỏ và (2) áp dụng phương pháp thận trọng trong định giá tài sản thế chấp. Vì vậy, kể cả khi giá thị trường bất động sản giảm 30%-40% thì ngân hàng vẫn có thể kiểm soát được rủi ro.
Mảng kinh doanh thẻ của VIB tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 5 năm qua, tổng chi tiêu của người tiêu dùng qua thẻ đã tăng từ 8 nghìn tỷ đồng lên 78 nghìn tỷ đồng. VIB có thị phần chi tiêu qua thẻ nằm trong top 3 (12%) và đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách với 2 đối thủ trong top đầu trong năm 2023. Ngoài ra, VIB là ngân hàng thứ hai tại Việt Nam(sau VCB) được chọn làm đối tác của American Express, điều mà chúng tôi tin rằng sẽ thúc đẩy mảng thẻ của VIB trong thời gian tới.
Cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, kế hoạch tăng vốn và chia cổ tức tiền mặt. Kế hoạch chi trả 20% cổ phiếu thưởng (vốn điều lệ tăng thêm 4,2 nghìn tỷ đồng) sẽ được trích nguồn từ (1) 320 tỷ đồng dự phòng vốn chủ sở hữu và (2) 3,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận giữ lại. Theo kế hoạch, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 21,1 nghìn tỷ đồng lên 25,4 nghìn tỷ đồng sau khi phát hành cổ phiếu thưởng và cổ phiếu ESOP. Ngoài ra, chúng tôi lưu ý là tổng mức cổ tức tiền mặt được cổ đông thông qua cho năm 2023 là 15% (1.500 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, 10% (1.000 đồng/cổ phiếu) đã được thanh toán vào ngày 03/03/2023. Do đó, 5% (500 đồng/cổ phiếu) sẽ được thanh toán trong vài tháng tới. Ban lãnh đạo cho biết VIB sẽ tiếp tục chia cổ tức tiền mặt trong thời gian tới nếu không có chỉ đạo, định hướng từ các cơ quan chức năng về việc không chia cổ tức tiền mặt.