Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB): Q4/2022 Lợi nhuận cả năm tăng trưởng 32% nhờ chi phí dự phòng giảm

Nguồn: HSC

Q4/2022 Lợi nhuận cả năm tăng trưởng 32% nhờ chi phí dự phòng giảm

 

VIB

 

Tóm tắt

  • VIB công bố KQKD Q4/2022 với LNTT tăng 4% đạt 2.767 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chi phí dự phòng giảm trong khi tăng trưởng của tổng thu nhập HĐ giảm tốc.
  • Lợi nhuận thuần năm 2022 đạt 10.581 tỷ đồng (tăng trưởng 32%), vượt kỳ vọng và bằng 108% dự báo của HSC. Tỷ lệ nợ xấu của VIB đã tăng lên 2,45% trong khi chi phí dự phòng giảm 48%.
  • Hiện VIB có P/B năm 2022 là 1,18 lần; cao hơn so với bình quân nhóm NHTM tư nhân là 0,97 lần. Chúng tôi đang xem xét lại dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2022 vào ngày 18/1

VIB đã công bố KQKD Q4/2022 với lợi nhuận thuần tăng 4% so với cùng kỳ đạt 2.767 tỷ đồng, xuất phát từ: tổng thu nhập HĐ tăng nhẹ (tăng 4% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng giảm (giảm 48% so với cùng kỳ) đã bù đắp cho chi phí HĐ tăng mạnh (tăng 37% so với cùng kỳ).

Lợi nhuận thuần năm 2022 đạt 10.581 tỷ đồng (tăng trưởng 32%) và cao hơn 8% so với dự báo của HSC.

Tín dụng trong kỳ tăng trưởng tốt

Tổng dư nợ cho vay Q4/2022 tăng 15,1% so với cùng kỳ (tăng 2,9% so với quý trước) đạt 232 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ cho vay KHCN tăng trưởng (tăng 19,4% so với cùng kỳ). Hiện cho vay KHCN đóng góp 87% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối Q4/2022, so với mức 88% tại thời điểm cuối Q3/2022, liên tục ở mức cao nhất ngành. Trong khi đó, số dư TPDN vẫn duy trì tại 1,8 nghìn tỷ đồng (giảm 30% so với cùng kỳ). Tổng cộng cho vay khách hàng và TPDN, tổng tín dụng của VIB tăng trưởng 14,5%; bằng hạn mức được giao cho cả năm.

Về mặt huy động, tổng vốn huy động tăng 8,1% so với cùng kỳ đạt 303 nghìn tỷ đồng nhờ vào sự tăng trưởng của tiền gửi khách hàng (tăng 15,3% so với cùng kỳ) và vốn huy động từ thị trường LNH (tăng 10,4% so với cùng kỳ). Trong khi đó, giấy tờ có giá giảm 24,9% so với cùng kỳ xuống còn 32 nghìn tỷ đồng vì Ngân hàng đã chủ động giảm huy động từ nguồn này trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng giảm tốc. Hệ số CAR đạt 12,7% (tăng từ 11,7% tại thời điểm cuối Q3/2022). Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q4/2022 giữ nguyên so với quý trước ở mức 13,8%.

Hệ số LDR điều chỉnh [tổng tín dụng / (tiền gửi khách hàng + vay LNH + giấy tờ có giá)] tăng lên 76% từ 75% tại thời điểm cuối Q3/2022 và 73% tại thời điểm cuối Q4/2021.

Tỷ lệ NIM gần chạm giới hạn

Tỷ lệ NIM Q4/2022 tăng 44 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 10 điểm cơ bản so với cùng kỳ) đạt 5,15% với lợi suất gộp tăng 152 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 181 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và chi phí huy động chỉ tăng 86 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 173 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Theo đó, VIB đã chuyển được tác động tăng chi phí huy động sang cho khách hàng trong Q4/2022.

Trong cơ cấu huy động, chi phí huy động tiền gửi khách hàng tăng 79 điểm cơ bản so với quý trước, chi phí huy động từ thị trường LNH tăng 213 điểm cơ bản trong khi chi phí huy động giấy tờ có giá giảm 23 điểm cơ bản. Việc chủ động giảm huy động từ phát hành giấy tờ có giá đã giúp hạn chế sự gia tăng chi phí huy động.

Tính chung cả năm 2022, tỷ lệ NIM tăng lên 4,95% từ 4,81% trong năm 2021. Do cho vay KHCN chiếm gần 90% tổng dư nợ cho vay, nên tỷ lệ NIM năm 2022 có lẽ không còn nhiều dư địa tăng tiếp.

Tóm lại, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 27% đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, cao hơn một chút so với dự báo của HSC.

Thu nhập ngoài lãi giảm

Thu nhập ngoài lãi Q4/2022 giảm 30% so với cùng kỳ còn 776 tỷ đồng vì: lãi thuần HĐ dịch vụ giảm 12% còn 840 tỷ đồng trong khi Ngân hàng ghi nhận lỗ thuần HĐ kinh doanh ngoại hối (52 tỷ đồng) và lỗ mua bán trái phiếu (97 tỷ đồng). Lãi thuần HĐ dịch vụ giảm do chi phí dịch vụ thanh toán tăng mạnh và thu nhập từ bancassurance giảm (giảm 17% so với cùng kỳ), chủ yếu vì tình hình kinh tế trong năm nay khó khăn.

Tỷ trọng đóng góp của lãi thuần HĐ dịch vụ trong tổng thu nhập HĐ năm 2022 đã giảm xuống còn 17,6% từ 20,7% trong năm 2021.

Chi phí HĐ tăng từ nền thấp

Chi phí HĐ Q4/2022 tăng mạnh 37% so với cùng kỳ lên 1.566 tỷ đồng. Theo đó, chi phí HĐ cả năm 2022 tăng 17% lên 6.197 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí tài sản cố định (tăng 28%) và chi phí nhân viên (tăng 13%) tăng.

Với tổng thu nhập HĐ tăng mạnh hơn chi phí HĐ, tỷ lệ CIR của VIB năm 2022 giảm còn 34,3% từ 35,5% trong năm 2021.

Nợ xấu và nợ nhóm 2 có xu hướng tăng

Tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 2,45% từ 2,35% tại thời điểm cuối Q3/2022 và 2,32% tại thời điểm cuối Q4/2021. Ngoài ra, tỷ lệ nợ nhóm 2 đã tăng lên 4,38% từ 3,26% tại thời điểm cuối Q3/2022. HSC tin rằng điều này là do môi trường lãi suất cao đã làm giảm nhu cầu tín dụng và khách hàng vay cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trả nợ.

Hệ số LLR tại thời điểm cuối Q4/2022 giữ nguyên ở mức 54,1%.

Chi phí dự phòng Q4/2022 giảm 48% so với cùng kỳ xuống còn 353 tỷ đồng, theo đó chi phí tín dụng năm 2022 giảm còn 0,58% từ 0,86% trong năm 2021.

HSC đang xem xét lại giá mục tiêu, khuyến nghị và dự báo

Dựa trên dự báo hiện tại, VIB đang có P/B năm 2022 là 1,18 lần; cao hơn 21% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân là 0,97 lần. Giá cổ phiếu VIB đã tăng 15% kể từ lần cập nhật gần nhất vào ngày 27/10/2022 và hiện tiềm năng tăng giá còn lại là 15,7%.

Chúng tôi đang xem xét lại dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị.