Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB): Tăng trưởng NII mạnh nhưng chất lượng tài sản giảm

Nguồn: VCSC

Tăng trưởng NII mạnh nhưng chất lượng tài sản giảm

 

VIB

 

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã công bố KQKD năm 2022 với LNTT đạt 10,6 nghìn tỷ đồng (+32,1% YoY), đạt 103% dự báo cho năm 2022 của chúng tôi. LNTT tăng chủ yếu là do (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 26,6% YoY và (2) chi phí dự phòng giảm 19,9% YoY, bù đắp cho (3) chi phí HĐKD (OPEX) tăng 17,3% YoY. Ngoài ra, LNTT quý 4/2022 đạt 2,8 nghìn tỷ đồng (-0,9% QoQ). Nhìn chung, lợi nhuận năm 2022 của VIB phù hợp với dự báo của chúng tôi.

  • Tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14,5% YoY, đến từ (1) tăng trưởng cho vay là 15,1% YoY và (2) số dư TPDN giảm 29,2% YoY từ mức cơ sở thấp vào năm 2021.
  • Tăng trưởng tiền gửi năm 2022 đạt 15,3% YoY so với dự báo cả năm của chúng tôi là 12% YoY. Ngoài ra, tỷ lệ CASA năm 2022 đạt 13,8% so với 16,3% vào năm 2021.
  • CIR năm 2022 cải thiện 1,2 điểm % YoY đạt 34,3% so với dự báo cả năm của chúng tôi là 34,8%.
  • Tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng/tổng dư nợ cho vay năm 2022 được giảm còn 0,27% so với 0,45% trong năm 2021.
  • Nợ nhóm 2 tăng 175 điểm cơ bản YoY, chúng tôi cho rằng đây là tín hiệu cho thấy chất lượng tài sản có thể tiếp tục giảm.

NIM 2022 duy trì tốt hơn kỳ vọng của chúng tôi. NIM năm 2022 của VIB tăng 34 điểm cơ bản YoY đạt 4,72% so với dự báo của chúng tôi là 4,48% do (1) lợi suất IEA tăng 91 điểm YoY và (2) chi phí vốn (COF) giảm 17 điểm cơ bản YoY. Chúng tôi cho rằng NIM cải thiện một phần là nhờ các khoản cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng, vốn là mảng cho vay lãi suất cao. VIB cho biết thị phần của VIB trong tổng chi tiêu qua thẻ Mastercard tại Việt Nam đạt 35% trong năm 2022. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng khoản tài trợ nước ngoài trị giá 150 triệu đô la Mỹ từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vào tháng 11/2022 đã giúp giảm áp lực đối với chi phí huy động vốn của VIB trong năm 2022.

Tiền gửi khách hàng tăng trở lại vào quý 4/2022, chủ yếu nhờ tiền gửi khách hàng cá nhân. Tính đến quý 3/2022, tiền gửi khách hàng giảm 8,1 nghìn tỷ đồng so với quý 2/2022. Tuy nhiên, tiền gửi của khách hàng đã tăng 11,1 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2022 so với quý 3/2022, nhờ tiền gửi của khách hàng cá nhân tăng 13,1 nghìn tỷ đồng QoQ. Chúng tôi cho rằng (1) việc tăng lãi suất huy động và (2) chiến lược định hướng bán lẻ của VIB đã góp phần cải thiện hoạt động thu hút tiền gửi của khách hàng cá nhân.

Lỗ từ kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán ảnh hưởng đà tăng trưởng thu nhập ngoài lãi (NOII). NOII năm 2022 đạt 3,1 nghìn tỷ đồng (+0,7% YoY), do (1) khoản lỗ 275 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối (217% YoY) và (2) khoản lỗ 176 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán trong năm 2022 so với khoản lãi 197 tỷ đồng trong năm 2021, ảnh hưởng đến (3) mức tăng thu nhập phí ròng (NFI) là 16,6% YoY. Mức tăng trưởng NFI trong năm 2022 so với cùng kỳ chủ yếu đến từ thu nhập từ phí dịch vụ thanh toán tăng 69% YoY nhờ kết quả hoạt động tích cực trong mảng thẻ của VIB. Nhìn chung, NOII năm 2022 hoàn thành 95% dự báo cả năm và phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Chất lượng tài sản giảm. Năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của VIB là 2,45% (+10 điểm cơ bản QoQ & +13 điểm cơ bản YoY). Trong khi đó, tỷ lệ nợ Nhóm 2 tăng 112 điểm cơ bản QoQ lên 4,38% - mức cao nhất tại VIB theo lịch sử quan sát của chúng tôi. Với các khoản cho vay thế chấp mua nhà chiếm khoảng 50% dư nợ của VIB, chúng tôi cho rằng (1) việc tăng lãi suất trong năm 2022 và (2) thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn có thể tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách vay. Chi phí dự phòng năm 2022 là 1,3 nghìn tỷ đồng (-19,9% YoY), hoàn thành 101% dự báo cả năm của chúng tôi.