Nguồn: VCSC
Kế hoạch trích lập toàn bộ chi phí dự phòng cho VAMC trong năm 2023
STB trích lập 2,2 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng cho VAMC trong quý 1/2023 và dự kiến trích lập toàn bộ chi phí dự phòng cho VAMC trong năm 2023. Trước thắc mắc của cổ đông về tiến độ xóa VAMC, TGĐ ngân hàng cho biết STB đã trích lập 2,2 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng cho VAMC vào quý 1/2023 và dự kiến ghi nhận chi phí dự phòng cho dư nợ ròng VAMC còn lại là 6,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2023. Khoản dự phòng cho VAMC này có thể kỳ vọng được hoàn nhập sau năm 2023, nếu ngân hàng có thể hoàn tất việc bán đấu giá 32,5% cổ phần được thế chấp tại VAMC. Chúng tôi hiện đang giả định STB sẽ không trích lập chi phí dự phòng cho VAMC vào năm 2023 vì chúng tôi trước đó cho rằng STB có thể sẽ chờ bán tài sản thế chấp (cụ thể là 32,5% cổ phần được thế chấp tại VAMC) để tất toán số dư tại VAMC mà không phải trích lập chi phí dự phòng. Ngoài ra, ĐHCĐ thường niên cũng cung cấp thêm thông tin về KQKD quý 1/2023, bao gồm tín dụng tăng trưởng hơn 2% QoQ và LNTT đạt 2,4 nghìn tỷ đồng (+50% YoY), hoàn thành 18,7% dự báo cả năm của chúng tôi.
Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ xử lý các tài sản tồn đọng lớn trong năm 2023 (bao gồm các khoản nợ liên quan đến quỹ đất Phong Phú và 32,5% cổ phần được thế chấp tại VAMC). Khi trả lời câu hỏi của một cổ đông về chính sách cổ tức của ngân hàng, chủ tịch HĐQT cho biết STB chỉ có thể chia cổ tức cho cổ đông sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu. Trở ngại chính trong quá trình hoàn thành Đề án tái cơ cấu là số cổ phần mà ông Trầm Bê sở hữu đã được thế chấp làm tài sản đảm bảo cho VAMC. Ngân hàng đã xây dựng phương án bán đấu giá phần vốn góp này và đã đề xuất với NHNN. STB dự kiến đợt bán đấu giá 32,5% cổ phần của ông Trầm Bê kỳ vọng diễn ra vào quý 4/2023. Về khoản nợ liên quan đến quỹ đất Phong Phú, TGĐ cho biết STB sẽ nỗ lực bán tài sản tồn đọng này với mức giá có thể thu hồi nợ gốc và một phần lãi dự thu. Ngân hàng nhận thấy sự quan tâm từ một số nhà đầu tư và kỳ vọng sẽ xử lý các khoản nợ liên quan đến quỹ đất Phong Phú trong năm 2023.
Nợ nhóm 2 giảm trên cơ sở tuyệt đối trong quý 1/2023. Trước câu hỏi của cổ đông về việc nợ nhóm 2 của STB tăng từ 1,5 nghìn tỷ đồng năm 2021 (tương đương 0,38% tổng dư nợ cho vay) lên 5,5 nghìn tỷ đồng năm 2022 (tương đương 1,25% trên tổng dư nợ cho vay), TGĐ cho biết những khó khăn ngắn hạn của một số công ty trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này; tuy nhiên, tất cả các khoản nợ nhóm 2 đều có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, các khoản nợ nhóm 2 đã giảm còn 4,2 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2023 (tương đương khoảng 1,0% tổng dư nợ, theo ước tính của chúng tôi).