Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB): Hệ sinh thái mở rộng hỗ trợ triển vọng kinh doanh của VPB

Nguồn: VCSC

Hệ sinh thái mở rộng hỗ trợ triển vọng kinh doanh của VPB

 

VPB

 

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA và tăng giá mục tiêu thêm 2,3% lên 49.100 đồng/cổ phiếu dành cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) do (1) tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2023 bù đắp cho (2) dự phóng LNST thấp hơn 2,1% trong giai đoạn 2022-2026 so với dự báo trước đây của chúng tôi và (3) điều chỉnh giảm P/B mục tiêu từ 2,0 lần xuống 1,95 lần.
  • Chúng tôi tăng dự phóng thu nhập ròng (trước lợi ích CĐTS) năm 2022 thêm 34,9% lên 21,8 nghìn tỷ đồng (+90% YoY) so với dự báo trước đó của chúng tôi do (1) phí hỗ trợ bancasurrance cao hơn dự kiến được ghi nhận trong quý 1/2022 , (2) chi phí HĐKD (OPEX) giảm 13,9% và (3) giảm 1,1% trong giả định chi phí dự phòng của chúng tôi.
  • Chúng tôi lập mô hình cho (1) đợt phát hành ESOP sử dụng 30 triệu cổ phiếu quỹ và (2) phát hành riêng lẻ 793,3 triệu cổ phiếu sơ cấp cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho 15% cổ phần vào năm 2022.
  • Các khoản cho vay tái cơ cấu hợp nhất của VPB giảm từ 16,1 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2021 xuống 12,7 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2022, trong đó 9,7 nghìn tỷ đồng là từ ngân hàng mẹ và 3,0 nghìn tỷ đồng là từ FE Credit (FEC).
  • Yếu tố hỗ trợ: Lợi nhuận đóng góp từ CTCP Chứng khoán VPBank và Công ty bảo hiểm phi nhân thọ OPES; tăng trưởng tín dụng cao hơn dự kiến.
  • Rủi ro: Việc không đảm bảo được nhà đầu tư chiến lược sẽ khiến việc huy động nguồn vốn từ nước ngoài /tăng trưởng tín dụng theo dự báo của chúng tôi khó đạt được; không kiểm soát được được chi phí tín dụng - đặc biệt là tại FEC.

Các khoản vay từ nước ngoài mới hỗ trợ triển vọng cải thiện chi phí vốn của VPB - phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Vào ngày 28/04, VPB thông báo đã nhận thêm một khoản vay hợp vốn từ nước ngoài trị giá 600 triệu USD với sự tham gia của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Tính đến nay, VPB đã nhận được khoảng 900 triệu USD vốn tài trợ từ nước ngoài với sự sắp xếp của SMBC, điều này cho thấy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, theo quan điểm của chúng tôi. Tại ĐHCĐ gần đây của VPB, ban lãnh đạo chia sẻ rằng công ty dự kiến sẽ huy động thêm 400 triệu-500 triệu USD khoản vay hợp vốn trong vài tháng tới. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là một lợi thế rất lớn để VPB đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và tối ưu hóa chi phí huy động vốn. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng VPB sẽ tiếp tục giảm chi phí huy động vốn từ 4,12% vào năm 2021 xuống khoảng 3,8% vào năm 2024.

VPB sẽ có một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trong số các ngân hàng trong danh mục theo dõi của chúng tôi - tương tự như MBB. Thông qua việc mua lại tiền thân của CTCP Chứng khoán VPBank và OPES, chúng tôi tin rằng VPB sẽ mở rộng hệ sinh thái của ngân hàng và tạo ra nhiều cơ hội bán chéo để gia tăng NFI. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các công ty con này khó có khả năng tạo ra lợi nhuận đáng kể trong tương lai gần khi vẫn đang trong giai đoạn đầu được triển khai.

VPB có kế hoạch tham gia hỗ trợ một tổ chức tín dụng gặp khó khăn (DCI). Mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể nào được ban lãnh đạo thông qua, nhưng các cổ đông đã thông qua nghị quyết cho diễn biến này tại ĐHCĐ gần đây của VPB. Ban lãnh đạo không tiết lộ thêm thông tin khi vẫn đang trong quá trình đánh giá kế hoạch và cho biết còn quá sớm để xác định mức độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Do thiếu thông tin, chúng tôi đã chưa tính sự kiện này trong định giá của chúng tôi.