Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB): KQKD phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi; FEC tăng tốc

Nguồn: VCSC

KQKD phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi; FEC tăng tốc

 

VPB

 

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) đã công bố KQKD 9 tháng 2022 (9T 2022) với LNTT đạt 19,8 nghìn tỷ đồng (+69% YoY), hoàn thành 75% dự báo năm 2022 của chúng tôi. Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường từ phí bancassurance ứng trước của AIA khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng được ghi nhận trong quý 1/2022, LNTT hợp nhất trong 9T 2022 đã hoàn thành khoảng 69% dự báo cả năm của chúng tôi, tương ứng LNTT quý 3/2022 đạt 4,5 nghìn tỷ đồng (+7% so với quý 2/2022). Chúng tôi cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể nào đối với dự báo lợi nhuận năm 2022 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

  • Thu nhập từ lãi (NII) hợp nhất 9T 2022 tăng 19,0% YoY – hoàn thành 73% dự báo 2022 của chúng tôi - với NIM hợp nhất đạt 7,77% (-44 điểm cơ bản YoY) so với NIM dự phóng 2022 của chúng tôi là 7,39%.
  • Tăng trưởng cho vay hợp nhất 9T 2022 là 13,3%, được tạo ra từ (1) tăng trưởng cho vay 14,7% tại ngân hàng mẹ và (2) tăng trưởng cho vay 8,2% tại các công ty con của VPB (bao gồm FEC và VPBank Securities). Tăng trưởng tín dụng ngân hàng mẹ 9T 2022 là 15,4%. Tính đến quý 3/2022, số dư trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng mẹ tăng 19% lên 33.0 nghìn tỷ đồng so với năm; tuy nhiên, con số này đã giảm 11% so với quý 2/2022. Tăng trưởng cho vay của FEC tăng tốc trong quý 3/2022 do tăng trưởng cho vay 9T 2022 đạt khoảng 3,4% theo ước tính của chúng tôi; trong khi đó, dư nợ cho vay của FEC tính đến quý 2/2022 tương đối đi ngang so với năm 2021.
  • Tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng/tổng dư nợ hợp nhất quy năm trong 9T 2022 là 4,13% (-87 điểm cơ bản YoY) so với dự báo của chúng tôi cho năm 2022 là 3,90%. Tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng/tổng dư nợ quy năm trong 9T 2022 tại ngân hàng mẹ là 2,38% (+23 điểm cơ bản YoY).
  • Thu nhập từ thu hồi nợ đã xử lý hợp nhất 9 tháng đầu năm 2022 là 2,9 nghìn tỷ đồng (+8,4% YoY), chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của thu nhập từ nợ đã xử lý tại ngân hàng mẹ (+64% YoY).
  • Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) 9T 2022 giảm 1,3 điểm % YoY đạt 22,3%. Nếu loại trừ thu nhập bất thường từ phí hỗ trợ bancassurance ứng trước, hệ số CIR 9T 2022 sẽ vào khoảng 25,4%, vẫn là một trong tỷ lệ thấp nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi.

Tăng trưởng tín dụng hạn chế trong quý 3/2022 do việc cấp hạn mức tín dụng bổ sung chậm hơn dự kiến. Chúng tôi lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng mẹ 6 tháng 2022 là 14,3% so với hạn mức tín dụng được cấp ban đầu là 15%. Trong 9T 2022, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ đạt 15,4% so với hạn mức tín dụng hiện tại là 30%. Do các ngân hàng đã cấp thêm hạn mức tín dụng vào tháng 9 và đầu tháng 10, nên lượng cho vay mới giải ngân trong quý 3/2022 thấp hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2022. Theo công bố của ngân hàng, các khoản cho vay khách hàng tại FEC, các khoản cho vay SME và các khoản vay bán lẻ chiếm 70% tổng dư nợ tín dụng hợp nhất. Chúng tôi tin rằng chiến lược định hướng bán lẻ của ngân hàng đã giúp VPB cải thiện lợi suất IEA và tăng trưởng NII mặc dù tăng trưởng tín dụng bị hạn chế trong quý 3/2022. Ngoài ra, VPB là một trong 3 ngân hàng nằm trong danh mục theo dõi của chúng tôi cùng với TCB và TPB cho đến nay báo cáo số dư trái phiếu doanh nghiệp giảm QoQ trong quý 3/2022. Trái phiếu doanh nghiệp của VPB giảm 11% QoQ và chiếm 8% tổng dư nợ hợp nhất tính đến quý 3 năm 2022.

NIM hợp nhất giảm theo quý. NIM hợp nhất quý 3/2022 đạt 7,45%, giảm 20 điểm cơ bản QoQ do COF tăng 30 điểm cơ bản QoQ, cao hơn đáng kể mức tăng 8 điểm cơ bản QoQ của lợi suất IEA. Chúng tôi lưu ý rằng VPB có mức tăng trưởng tiền gửi 6 tháng đầu năm 2022 cao nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi ở mức 23,3%. Tuy nhiên, tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng mẹ đã giảm 6,2% QoQ xuống 276,6 tỷ đồng trong quý 3/2022. Do hạn mức tín dụng bổ sung được cấp chậm hơn dự kiến của ngân hàng, chúng tôi cho rằng việc mức giảm tiền gửi của khách hàng QoQ nằm trong dự tính của ngân hàng nhằm kiểm soát chi phí vốn. Theo quan sát của chúng tôi, VPB đã tăng lãi suất huy động thêm 1 - 1,3 điểm % ở tất cả các kỳ hạn để thu hút tiền gửi của khách hàng từ cuối tháng 9.

Chi phí dự phòng đã hoàn thành 78% dự báo cả năm của chúng tôi và cao hơn nhẹ so với kỳ vọng. Chi phí dự phòng hợp nhất trong 9T 2022 là 15,1 tỷ đồng (+ 11% YoY), nguyên nhân là do (1) chi phí dự phòng tại ngân hàng mẹ tăng 21% YoY và (2) chi phí dự phòng tại FEC tăng 6% YoY.

So với quý trước, tỷ lệ nợ xấu của VPB được cải thiện trong khi nợ Nhóm 2 tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPB trong quý 3/2022 giảm 23 điểm cơ bản QoQ nhờ (1) tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ giảm 19 điểm cơ bản QoQ và (2) tỷ lệ nợ xấu tại FEC giảm 61 điểm cơ bản QoQ. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu đã được cải thiện, nhưng mức nợ nhóm 2 hợp nhất đã tăng 81 điểm cơ bản QoQ trong quý 3/2022, điều này chúng tôi cho rằng có thể tạo ra áp lực tăng lên chi phí tín dụng của VPB trong tương lai, dù cần thêm đánh giá chi tiết.