Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB): KQKD Q1/2023 không đạt kỳ vọng do lỗ ở FE

Nguồn: HSC

KQKD Q1/2023 không đạt kỳ vọng do lỗ ở FE

 

VPB

 

Tóm tắt

  • VPB công bố LNTT hợp nhất Q1/2023 đạt 2.550 tỷ đồng (giảm 55%, đã điều chỉnh lợi nhuận không thường xuyên). LNTT Ngân hàng mẹ đạt 4.100 tỷ đồng (giảm 18,4%; đã điều chỉnh) nhưng FE ghi nhận lỗ thuần khoảng 1.770 tỷ đồng. LNTT hợp nhất Q1/2023 chỉ đạt 14,5% dự báo của HSC cho cả năm 2023 và đạt 10,6% kế hoạch tham vọng của VPB.
  • Tín dụng Q1/2023 tăng trưởng tốt (hợp nhất tăng 4,9% so với đầu năm và Ngân hàng mẹ tăng 7,1%) nhưng chất lượng tài sản giảm sút với tỷ lệ nợ xấu cho vay khách hàng hợp nhất là 6,24% và Ngân hàng mẹ là 3,42%.
  • VPB hiện có P/B dự phóng năm 2023 là 1,09 lần; cao hơn 14,7% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân.

Sự kiện: Công bố KQKD Q1/2023

VPB đã công bố LNTT hợp nhất Q1/2023 đạt 2.550 tỷ đồng (giảm 55% so với cùng kỳ, đã điều chỉnh phí bancassurance trả trước ghi nhận trong Q1/2022). Tổng thu nhập HĐ giảm (giảm 3% so với cùng kỳ) cộng với chi phí dự phòng tăng mạnh (tăng 55% so với cùng kỳ) đã khiến LNTT giảm.

LNTT Q1/2023 của Ngân hàng mẹ đạt 4.100 tỷ đồng (giảm 18,4% so với cùng kỳ, số liệu đã điều chỉnh) nhưng FE Credit tiếp tục có thêm một quý kém khả quan và ghi nhận lỗ thuần khoảng 1.770 tỷ đồng (so với lãi 494 tỷ đồng trong Q1/2022). Nói chung, LNTT hợp nhất Q1/2023 chỉ bằng 14,5% dự báo của HSC cho cả năm 2023 (giảm 16,9% so với năm 2022, số liệu chưa điều chỉnh) và chỉ đạt 10,6% kế hoạch kinh doanh tham vọng của VPB (tăng trưởng 13,1% so với năm 2022, số liệu chưa điều chỉnh).

Tín dụng Ngân hàng mẹ tăng trưởng mạnh

Tín dụng hợp nhất tăng 4,9% so với đầu năm nhờ tín dụng tại Ngân hàng mẹ tăng mạnh 7,1% so với đầu năm trong khi tín dụng tại FE Credit giảm (giảm khoảng 5-6% theo ước tính của HSC). Trong tổng tín dụng, cho vay khách hàng tăng 5,7% so với đầu năm và TPDN giảm 4,2% so với đầu năm. Tỷ trọng trong tổng tín dụng của cho vay khách hàng là 92,1% và của TPDN là 7,9%.

Theo đối tượng khách hàng, nhu cầu tín dụng từ KHCN khá thấp, chỉ tăng 2,2% so với đầu năm vì môi trường lãi suất cao. Theo ngành kinh tế, động lực tăng trưởng cho vay chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 13,7% so với đầu năm); xây dựng (tăng 11,9%); bán buôn, bán lẻ (tăng 10,5%); dịch vụ tài chính (tăng 21,2%); và BĐS (tăng 8,9%). Cho vay liên quan đến ngành BĐS (gồm cho vay doanh nghiệp BĐS và cho vay khách hàng mua nhà) chiếm 34,5% tổng dư nợ cho vay hợp nhất, tăng nhẹ từ mức 34,3% tại thời điểm cuối năm 2022.

Về mặt huy động, tổng vốn huy động tăng 12,8% so với đầu năm với tiền gửi khách hàng tăng 9,2% và GTCG tăng 29,5%. Trong cơ cấu tiền gửi khách hàng, tiền gửi không kỳ hạn giảm 12,5% so với đầu năm trong khi tiền gửi có kỳ hạn tăng mạnh 13,9%. Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm còn 14,2% từ 17,7% tại thời điểm cuối năm 2022; và đây là xu hướng chung của ngành, diễn ra do ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao.

Tỷ lệ NIM Q1/2023 giảm 102 điểm cơ bản so với quý trước nhưng sẽ cải thiện

Tỷ lệ NIM hợp nhất đạt 6,34% (giảm 102 điểm cơ bản so với quý trước và giảm 142 điểm cơ bản so với cùng kỳ), với lợi suất gộp tăng 7 điểm cơ bản so với quý trước và tăng 82 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và chi phí huy động tăng 123 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 253 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Tỷ lệ NIM Ngân hàng mẹ giảm còn 4,94% (giảm 53 điểm cơ bản so với quý trước và giảm 57 điểm cơ bản so với cùng kỳ) với lợi suất gộp tăng 54 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 185 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong khi chi phí huy động tăng 113 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 252 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Biến động ở tỷ lệ NIM thường có độ trễ so với biến động của lãi suất. Vì vậy, chi phí huy động tăng mạnh trong Q4/2022 sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến tỷ lệ NIM Q1/2023. Với mặt bằng lãi suất hạ nhiệt trong Q1/2023, HSC kỳ vọng tỷ lệ NIM của VPB sẽ cải thiện trong những quý tới.

Thu nhập ngoài lãi biến động trái chiều với lãi thuần HĐ dịch vụ tăng mạnh nhưng lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối & thu nhập khác giảm

Thu nhập ngoài lãi Q1/2023 đạt 2.825 tỷ đồng (giảm 2% so với cùng kỳ, số liệu đã điều chỉnh) vì tăng trưởng tốt của lãi thuần HĐ dịch vụ (tăng 34% so với cùng kỳ) và lãi mua bán trái phiếu (tăng 19% so với cùng kỳ) bị triệt tiêu do lỗ thuần HĐ kinh doanh ngoại hối (347 tỷ đồng) và thu nhập khác giảm (giảm 14% so với cùng kỳ, số liệu đã điều chỉnh).

Về thu nhập HĐ dịch vụ, thu nhập dịch vụ thanh toán (tăng 52% so với cùng kỳ) và dịch vụ khác (tăng 44% so với cùng kỳ) là động lực tăng trưởng chính trong khi thu nhập bancassurance chỉ tăng trưởng ở mức trung bình (tăng 6,9% so với cùng kỳ).

Chi phí HĐ tăng vừa phải và tỷ lệ CIR được kiểm soát tốt

Chi phí HĐ hợp nhất Q1/2023 tăng 14% so với cùng kỳ và tỷ lệ CIR tăng nhẹ lên 27,7% từ 27% trong năm 2022, vẫn thấp nhất trong số các NHTM tư nhân.

Chi phí tín dụng tăng mạnh, chất lượng tài sản giảm sút

Áp lực lên chất lượng tài sản đang gia tăng với tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng lên 6,24% (từ 5,73% tại thời điểm cuối 2022) với tỷ lệ nợ xấu (của cho vay khách hàng) tại Ngân hàng mẹ tăng lên 3,42% (từ 2,8% tại thời điểm cuối 2022) và tỷ lệ nợ xấu của FE Credit có khả năng đã tăng lên 23-24% (từ 21,8% tại thời điểm cuối năm 2022). Tương tự, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng mạnh lên 8,22% (từ 5,44% tại thời điểm cuối năm 2022), chủ yếu vì tỷ lệ nợ nhóm 2 tại Ngân hàng mẹ tăng lên 7,46% (từ 4,06% tại thời điểm cuối năm 2022).

Chi phí dự phòng hợp nhất tăng lên 6.386 tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ) với 2.677 tỷ đồng (giảm 5%) được trích lập tại Ngân hàng mẹ và khoảng 4 nghìn tỷ đồng (tăng 87%) được trích lập tại FE Credit.

Chi phí tín dụng theo năm tăng lên 5,7% trong Q1/2023, tương đương năm 2022. Với tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng mạnh, HSC cho rằng chi phí tín dụng sẽ ở mức cao trong những quý còn lại của năm 2023.

HSC đang xem xét lại dự báo

Hiện VPB có P/B dự phóng năm 2023 là 1,09 lần; cao hơn bình quân nhóm NHTM tư nhân ở mức 0,95 lần. HSC đang xem xét lại dự báo.