Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB): Ngân hàng mẹ dẫn dắt tăng trưởng; FEC ảnh hưởng lợi nhuận

Nguồn: VCSC

Ngân hàng mẹ dẫn dắt tăng trưởng; FEC ảnh hưởng lợi nhuận

 

VPB

 

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) đã công bố KQKD năm 2022 với LNTT hợp nhất đạt 21,2 nghìn tỷ đồng (+48% YoY) so với LNTT của ngân hàng mẹ là 24 nghìn tỷ đồng, thấp hơn dự báo của chúng tôi khi VPB chỉ hoàn thành 84% dự báo năm 2022 của chúng tôi và tương ứng LNTT hợp nhất quý 4/2022 đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (-69% so với quý 3/2022). Chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo thu nhập của mình, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

  • Thu nhập từ lãi (NII) hợp nhất năm 2022 tăng 19,4% YoY — đạt 97% dự báo cho năm 2022 của chúng tôi — với NIM hợp nhất là 7,50% (-13 điểm cơ bản YoY), tương đương NIM 2022 của chúng tôi.
  • Chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 của ngân hàng mẹ (bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 28,3%. Tính đến quý 4/2022, số dư trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng mẹ đã tăng 18% so với năm 2021 đạt 33 nghìn tỷ đồng, nhưng gần như đi ngang QoQ.
  • Tỷ lệ nợ xấu năm 2022 và nợ nhóm 2/tổng dư nợ tăng mạnh YoY. Ngoài ra, các khoản nợ xử lý bằng dự phòng/tổng dư nợ hợp nhất năm 2022 đã tăng 40 điểm cơ bản YoY đạt 4,26%. Tuy nhiên, thu nhập từ thu hồi hợp nhất từ các khoản nợ xử lý trong năm 2022 tăng 14% YoY, chủ yếu nhờ ngân hàng mẹ dẫn dắt.
  • Thu nhập ngoài lãi (NFI) hợp nhất năm 2022 đạt 6,4 nghìn tỷ đồng (+59% YoY), được thúc đẩy bởi phí dịch vụ thanh toán, phí dịch vụ ngân quỹ và phí bancassurance.
  • CIR năm 2022 đạt 24,4%, tương đối ổn định YoY và cao hơn dự báo của chúng tôi là 22,5%, do chi phí nhân viên tăng 34% YoY.

Tăng trưởng cho vay mạnh tại ngân hàng mẹ, nhưng tăng trưởng cho vay của FEC thấp hơn dự báo của chúng tôi. Tăng trưởng cho vay hợp nhất năm 2022 đạt 23,4% YoY, đến từ (1) tăng trưởng cho vay 29,2% YoY tại ngân hàng mẹ và (2) tăng trưởng cho vay 1,7% YoY tại các công ty con của VPB (bao gồm FEC và VPBank Securities). Theo công bố của ngân hàng, tăng trưởng cho vay của ngân hàng mẹ được thúc đẩy bởi mức tăng 37% YoY của các khoản cho vay doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ và điều này cũng giúp hỗ trợ NIM của ngân hàng. Theo ước tính của chúng tôi, dư nợ cho vay của FEC giảm 5,9% QoQ trong quý 4/2022 và tăng trưởng cho vay năm 2022 của FEC vào khoảng -2,7% so với kỳ vọng của chúng tôi là 8%.

Tiền gửi của khách hàng tăng mạnh trong quý 4/2022. Tiền gửi khách hàng tại ngân hàng mẹ tăng 28,5% YoY (+11,1% QoQ) trong năm 2022, nhờ tiền gửi của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tăng 47,2% YoY. Chúng tôi cho rằng sự cải thiện về tiền gửi của khách hàng mảng bán lẻ được hỗ trợ bởi (1) lãi suất huy động tăng trong quý 4/2022 và (2) chiến lược của VPB nhằm thu hút khách hàng qua các kênh kỹ thuật số bằng cách đưa ra mức lãi suất huy động hấp dẫn so với các ngân hàng khác.

Chi phí dự phòng cao hơn kỳ vọng của chúng tôi. Chi phí dự phòng hợp nhất đạt 22,5 nghìn tỷ đồng (+17% YoY) trong năm 2022 và hoàn thành 108% dự báo cả năm của chúng tôi, nguyên nhân là do (1) chi phí dự phòng tại ngân hàng mẹ tăng 11,2% YoY và (2) chi phí dự phòng tại FEC tăng 20,8% YoY.

Chất lượng tài sản giảm - đặc biệt là tại FEC. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPB trong quý 4/2022 tăng 72 điểm cơ bản QoQ do (1) tỷ lệ nợ xấu tăng 15 điểm cơ bản QoQ tại ngân hàng mẹ và (2) tỷ lệ nợ xấu tăng 5,5 điểm % QoQ tại FEC. Ngoài ra, các khoản nợ Nhóm 2 hợp nhất đã tăng 76 điểm cơ bản QoQ trong quý 4/2022, mà chúng tôi tin rằng có thể tạo áp lực tăng lên đối với chi phí tín dụng và khả năng hình thành nợ xấu trong tương lai, dù cần thêm đánh giá chi tiết. Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh thấp của FEC là do tác động tiêu cực của điều kiện kinh tế không thuận lợi đối với khách hàng của FEC cao hơn dự kiến, do hầu hết đều là những người có thu nhập trung bình và thấp. Tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng/dư nợ cho vay hợp nhất năm 2022 đạt 4,26% (+40 điểm cơ bản YoY) so với dự báo của chúng tôi năm 2022 là 4,41%. Ngoài ra, thu nhập từ thu hồi nợ đã xử lý hợp nhất đạt 3,7 nghìn tỷ đồng (+13,9% YoY) trong năm 2022, chủ yếu nhờ thu nhập từ thu hồi nợ đã xử lý tăng trưởng tốt tại ngân hàng mẹ (+43% YoY).