Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB): Triển vọng tăng trưởng mạnh dù FEC phục hồi chậm hơn

Nguồn: VCSC

Triển vọng tăng trưởng mạnh dù FEC phục hồi chậm hơn

 

VPB

 

  • Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị MUA đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) nhưng giảm giá mục tiêu (TP) 8,4% xuống 45.000 đồng/cổ phiếu do (1) LNST dự kiến 2022-2026F của chúng tôi giảm 0,6%, (2) điều chỉnh giảm trong P/B mục tiêu của chúng tôi từ 1,95 lần xuống 1,85 lần và (3) tăng chi phí vốn từ 12,5% lên 13,0%.
  • Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận năm 2022F (trước lợi ích CĐTS) 3,9% xuống 21,0 nghìn tỷ đồng (896 triệu USD; + 83% YoY) so với dự báo trước đó do (1) dự báo NII giảm 4,3% do điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng tín dụng hợp nhất từ 23,9% xuống 17,5%, bên cạnh (2) OPEX tăng 5,7%, cao hơn (3) giảm 9,3% trong dự báo chi phí dự phòng của chúng tôi.
  • Chúng tôi dự phóng việc phát hành riêng lẻ 793,3 triệu cổ phiếu sơ cấp cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để sở hữu 15% cổ phần vào cuối năm 2022F.
  • Các khoản cho vay tái cơ cấu hợp nhất của VPB giảm từ 12,7 nghìn tỷ đồng trong quý 1 năm 2022 xuống 9,8 nghìn tỷ đồng trong quý 2 năm 2022, trong đó 6,3 nghìn tỷ đồng là từ ngân hàng mẹ và 3,5 nghìn tỷ đồng là từ FE Credit (FEC).
  • Rủi ro giảm: Việc không đảm bảo được nhà đầu tư chiến lược sẽ khiến việc huy động nguồn vốn từ nước ngoài /tăng trưởng tín dụng theo dự báo của chúng tôi khó đạt được; không kiểm soát được được chi phí tín dụng - đặc biệt là tại FEC.

Chúng tôi điều chỉnh giảm các giả định về tăng trưởng tín dụng của chúng tôi ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit (FEC). Vào đầu năm 2022, VPB là một trong 4 ngân hàng nhận được hạn mức tín dụng ban đầu cao nhất là 15% và ngân hàng mẹ đã gần sử dụng hết hạn mức ban đầu này trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy sự thận trọng trong việc cấp hạn mức tín dụng bổ sung cho các ngân hàng để kiểm soát lạm phát, và mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã được khẳng định nhiều lần ở mức 14%. Chúng tôi giảm giả định tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho ngân hàng mẹ xuống 20,0% (so với 23,9% trong báo cáo trước của chúng tôi) và cũng điều chỉnh giảm giả định tăng trưởng cho vay đối với FEC xuống 8% (so với 17% trong báo cáo trước của chúng tôi) sau diễn biến kém tích cực trong 6 tháng đầu năm 2022.

Chúng tôi kỳ vọng chi phí vốn của VPB sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 4,1% trong 3 năm tới. Trong Báo cáo cập nhật trước đó, chúng tôi kỳ vọng VPB sẽ giảm chi phí vốn từ năm 2022 trở đi xuống khoảng 3,8% vào năm 2024. Tuy nhiên, với sự tích cực của ngân hàng trong việc tăng huy động tiền gửi trong 6 tháng đầu năm 2022 và chúng tôi dự báo lãi suất huy động sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong mỗi năm 2022 và 2023, chúng tôi kỳ vọng chi phí huy động vốn của VPB sẽ được kiểm soát ở mức khoảng 4,1% trong năm 2024 nhờ mức tăng dự báo của chúng tôi cho tỷ lệ CASA và vốn vay từ nước ngoài.

Nếu việc phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược bị trì hoãn, chúng tôi cho rằng sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của VPB. Chúng tôi duy trì giả định về việc bán 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài nhưng dời thời gian giả định sang cuối năm 2022. Chúng tôi cho rằng trong một kịch bản kém tích cực hơn, thương vụ sẽ được ký kết vào đầu năm 2023. Mặc dù chưa thực hiện phát hành riêng lẻ, VPB đã nhận được những sự hỗ trợ vốn mạnh mẽ từ Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và hiện sở hữu một trong ba mức CAR cao nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi. Do đó, chúng tôi cho rằng việc trì hoãn phát hành riêng lẻ sẽ không ảnh hưởng lớn đến VPB.