Ngân hàng Vietcombank (VCB): KQKD Q1/2022 khả quan và sát dự báo

Nguồn: HSC

KQKD Q1/2022 khả quan và sát dự báo

 

VCB

 

Tóm tắt

KQKD Q1/2022 khả quan và sát dự báo. Lợi nhuận thuần đạt 7.962 tỷ đồng (tăng 15,4%), bằng 26,9% dự báo của HSC cho cả năm 2022 với tổng thu nhập HĐ tăng khiêm tốn (tăng 6,7%), chi phí HĐ được kiểm soát tốt (giảm 5,7%) và chi phí dự phòng đi ngang.

So với đầu năm, tín dụng tăng 7% trong Q1/2022 và tăng 8,8% tính đến cuối tháng 4 trong khi tỷ lệ NIM tăng 22 điểm cơ bản lên 3,46%. Chất lượng tài sản tốt với tỷ lệ nợ xấu là 0,81% và hệ số LLR là 373%.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu 102.000đ; tương đương tiềm năng tăng giá 26% và P/B dự phóng năm 2022 là 3,6 lần.

Sự kiện: Công bố KQKD Q1/2022

VCB đã công bố KQKD Q1/2022 khả quan và nói chung sát kỳ vọng. Lợi nhuận thuần đạt 7.962 tỷ đồng (tăng 15,4% so với cùng kỳ), bằng 26,9% dự báo của HSC và hoàn thành 36,2% kế hoạch thận trọng của Ngân hàng đề ra cho cả năm 2022.

Tín dụng tăng mạnh 7% so với đầu năm

So với đầu năm, tín dụng cuối tăng 7% trong Q1/2022 và tăng 8,8% tính đến cuối tháng 4. Tăng trưởng tín dụng đạt được nhờ cho vay khách hàng tăng 7,1% đạt 1,029 triệu tỷ đồng trong khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp giảm nhẹ xuống còn 12 tỷ đồng. Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của VCB trong kỳ không đáng kể, chỉ chiếm 1,2% tổng tín dụng.

Tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ trọng cho vay lĩnh vực BĐS trong dư nợ cho vay là 26,3%; bao gồm cho vay doanh nghiệp BĐS là 35,9 nghìn tỷ đồng (3,7%) và cho vay cá nhân mua nhà là 217,2 nghìn tỷ đồng (22,6%). Trong khi đó, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp BĐS trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ không đáng kể, chỉ là 2,5%. HSC cho rằng không có nhiều thay đổi ở tỷ trọng cho vay lĩnh vực BĐS & đầu tư trái phiếu doanh nghiệp BĐS trong Q1/2022 mặc dù VCB không công bố thông tin chi tiết. Nói chung, VCB có khẩu vị rủi ro và tỷ trọng cho vay lĩnh vực BĐS & đầu tư trái phiếu doanh nghiệp BĐS thấp.

Tỷ lệ NIM cải thiện

Tỷ lệ NIM tăng lên 3,46% (tăng 23 điểm cơ bản so với cùng kỳ) nhờ lợi suất gộp tăng 8 điểm cơ bản so với cùng kỳ và chi phí huy động giảm 15 điểm cơ bản so với cùng kỳ. So với quý trước, HSC thấy lợi suất gộp cải thiện rõ rệt (tăng 17 điểm cơ bản) trong khi chi phí huy động gần như ổn định (giảm 4 điểm cơ bản).

Thế mạnh của VCB – là một trong những NHTM có tên tuổi nhất trên thị trường huy động và là người cho vay ròng trên thị trường liên ngân hàng – đã giúp Ngân hàng tránh được gần như toàn bộ tác động của xu hướng tăng chi phí huy động trên thị trường liên ngân hàng trong Q1/2022. VCB có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong kỳ cao, là 36,3% (so với 35,7% tại thời điểm cuối năm 2021) và chi phí huy động từ tiền gửi duy trì ổn định ở 2,24%, mức thấp thứ 2 trong ngành. Nhờ đó, thu nhập lãi thuần tăng 18,8% so với cùng kỳ đạt 11.976 tỷ đồng.

Thu nhập ngoài lãi giảm

Thu nhập ngoài lãi Q1/2022 giảm 15,1% xuống còn 4.733 tỷ đồng. Ngoại trừ lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối tăng 46% so với cùng kỳ, các nguồn thu nhập ngoài lãi còn lại giảm.

Lãi thuần HĐ dịch vụ đạt 2.711 tỷ đồng, giảm 21,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự khác biệt trong ghi nhận phí bancassurance trả trước (toàn bộ phí năm ngoái là khoảng 1.700 tỷ đồng được ghi nhận vào Q1 và hoàn nhập trong Q2 khi VCB quyết định ghi nhận đều trong các quý) và loại bỏ tác động này, lãi thuần HĐ dịch vụ Q1/2022 đã tăng 25% so với cùng kỳ, vượt kỳ vọng của HSC.

Lãi mua bán trái phiếu không đáng kể, đạt 16 tỷ đồng (giảm 79,7% so với cùng kỳ).

Thu nhập khác (chủ yếu là thu nhập từ thu hồi nợ xấu ngoại bảng) đạt 484 tỷ đồng (giảm 52,2% so với cùng kỳ).

Hiệu quả HĐ cải thiện

Chi phí HĐ Q1/2022 giảm 5,7% so với cùng kỳ với 2 loại chi phí HĐ chính biến động trái chiều. Chi phí lương tăng lên 2.345 tỷ đồng (tăng 9,1% so với cùng kỳ) vì số lượng nhân viên tăng 7,5% trong khi chi phí quản lý khác giảm còn 1.292 tỷ đồng (giảm 28,7% so với cùng kỳ), nhiều khả năng là vì Q1 năm nay không có nhiều chi phí dự phòng trích lập như năm ngoái. Hệ số CIR giảm còn 27% (so với 31% trong năm 2021).

Chất lượng tài sản ổn định, áp lực dự phòng giảm

Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối Q1/2022 là 0,81%; tăng vừa phải từ mức 0,64% tại thời điểm cuối năm 2021. Nợ xấu tăng 36,8% lên 8.372 tỷ đồng với nợ xấu mới hình thành là 2.311 tỷ đồng (bằng 0,22% dư nợ cho vay) và VCB gần như không xóa nợ trong kỳ. HSC tin rằng nợ xấu mới hình thành có một phần từ nợ tái cơ cấu.

Chi phí dự phòng là 2.274 tỷ đồng (đi ngang so với cùng kỳ), gồm 5.276 tỷ đồng chi phí dự phòng cho vay khách hàng và 3.000 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng cho vay liên ngân hàng.

Hệ số LLR vẫn ở mức cao là 372,6% nhưng đã thấp hơn mức 414% tại thời điểm cuối năm 2021. Chi phí tín dụng theo năm trong Q1/2022 là 0,91%; cao hơn một chút dự báo của HSC cho năm 2022 là 0,82%.

Kế hoạch kinh doanh thận trọng như thường lệ

VCB đã tổ chức ĐHCĐTN vào ngày 29/4. Cổ đông đã tham dự đông đủ và thông qua toàn bộ các tờ trình. Tại Đại hội, một số nội dung chính đã được thảo luận và thông qua:

Ban lãnh đạo công bố kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2022, gồm tăng trưởng tín dụng 15%, tăng trưởng huy động 9% và tăng trưởng LNTT ít nhất 12%.

Nâng vốn điều lệ trong năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 18,1%.

VCB dự kiến tham gia nhận chuyển giao một ngân hàng không đồng nhưng danh tính của ngân hàng liên quan chưa được công bố chính thức. Trên thực tế, kể từ năm 2014, VCB đã tham gia hỗ trợ Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, là 1 trong 3 ngân hàng không đồng. Thông tin cụ thể về kế hoạch này chưa được công bố nhưng kế hoạch đã được thông qua về mặt nguyên tắc tại ĐHCĐTN.

Duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư ở 102.000đ. Hiện VCB đang có P/B dự phóng năm 2022 là 2,9 lần; cao hơn 80% so với bình quân các NHTM niêm yết.