Nguồn: HSC
Lợi nhuận Q4/2021 giảm vì chi phí dự phòng tăng mạnh
Tóm tắt
Lợi nhuận thuần Q4/2021 đạt 2.429 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ (tăng 12,4% so với quý trước) và thấp hơn dự báo. Tổng thu nhập hoạt động Q4 chỉ tăng 3%, xấp xỉ mức tăng của chi phí hoạt động trong khi chi phí dự phòng tăng mạnh (tăng 24%).
Lợi nhuận cốt lõi Ngân hàng mẹ (không gồm lợi nhuận thoái vốn) trong Q4 chỉ tăng 1% trong khi FE Credit ước lỗ 233 tỷ đồng.
Với Q4 kém khả quan, lợi nhuận thuần hợp nhất năm 2021 đạt 11.808 tỷ đồng (tăng trưởng 12%), thấp hơn dự báo của chúng tôi.
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu 45.800đ trong khi xem xét kỹ hơn BCTC.
Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2021
VPB đã công bố lợi nhuận thuần hợp nhất Q4/2021 kém khả quan, đạt 2.429 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ (tăng 12,4% so với quý trước) và thấp hơn dự báo của HSC. Lợi nhuận thuần hợp nhất cả năm 2021 theo đó đạt 11.808 tỷ đồng (tăng trưởng 12%) và bằng 96% dự báo của chúng tôi.
VPB đã ghi nhận 20.352 tỷ đồng lãi từ bán 50% cổ phần FE Credit vào KQKD Q4/2021, từ đó làm lợi nhuận của Ngân hàng mẹ tăng mạnh lên 18.787 tỷ đồng trong Q4/2021 và 31.987 tỷ đồng trong cả năm 2021. Nếu không tính lợi nhuận từ thoái vốn FE Credit, thì lợi nhuận cốt lõi Ngân hàng mẹ chỉ tăng 1% trong khi FE Credit ước lỗ 233 tỷ đồng so với cùng kỳ trong Q4.
Tăng trưởng tín dụng đạt 18,9%; chủ yếu từ Ngân hàng mẹ
Tín dụng hợp nhất tăng 18,9% so với cùng kỳ (tăng 10% so với quý trước) nhờ tín dụng Ngân hàng mẹ tăng 20,2% và dư nợ cho vay của FE Credit tăng 14,2% - cho thấy sự tăng tốc trong Q4 và vượt kỳ vọng của HSC. Cho vay khách hàng cá nhân (cụ thể là cho vay mua nhà với dư nợ tăng 49,6% so với cùng kỳ) và khách hàng DNNVV là những động lực tăng trưởng tín dụng chính của VPB trong năm 2021.
Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng tăng trưởng khiêm tốn (chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ) nhưng giấy tờ có giá phát hành tăng 29,4% so với cùng kỳ và vay từ các TCTC khác (bao gồm các TCTC nước ngoài) tăng mạnh 102,8% so với cùng kỳ nhờ mặt bằng thanh khoản dồi dào và chi phí huy động thấp. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tiếp tục tăng lên 22,6% (từ 15,5% tại thời điểm cuối năm 2020), và đây là xu hướng tích cực.
NIMs recovered in 4Q
Tỷ lệ NIM hợp nhất Q4/2021 hồi phục nhẹ 28 điểm cơ bản so với quý trước lên 7,23% với lợi suất gộp giảm 11 điểm cơ bản trong khi chi phí huy động giảm 37 điểm cơ bản. Tính chung cả năm 2021, tỷ lệ NIM giảm 69 điểm cơ bản xuống còn 8,04% vì lợi suất gộp (giảm 224 điểm cơ bản) giảm mạnh hơn chi phí huy động (giảm 184 điểm cơ bản). Tỷ lệ NIM năm 2021 của Ngân hàng mẹ tăng 49 điểm cơ bản lên 5,33% trong khi tỷ lệ NIM của FE Credit giảm 372 điểm cơ bản xuống còn 22,3%, theo ước tính của chúng tôi.
Theo đó, thu nhập lãi thuần hợp nhất Q4/2021 giảm còn 8.523 tỷ đồng (giảm 2% so với cùng kỳ) với thu nhập lãi thuần Ngân hàng mẹ tăng 17% so với cùng kỳ còn FEC giảm 22,8% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2021, thu nhập lãi thuần hợp nhất tăng trưởng nhẹ 6% đạt 34.349 tỷ đồng với thu nhập lãi thuần Ngân hàng mẹ tăng trưởng 29% còn FEC giảm 13,4%.
Lãi thuần HĐ dịch vụ hồi phục mạnh, lãi mua bán trái phiếu đạt cao
Thu nhập ngoài lãi hợp nhất Q4/2021 tăng 29% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ đạt 1.196 tỷ đồng (tăng 51,3% so với quý trước và tăng 16% so với cùng kỳ) và lãi mua bán trái phiếu đạt 798 tỷ đồng (tăng 170% so với cùng kỳ), trong khi thu nhập khác (chủ yếu là từ thu hồi nợ xấu đã xóa) giảm 19% so với cùng kỳ.
Tính chung cả năm 2021, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh 49% và đóng góp 22,5% vào tổng thu nhập hoạt động (so với 17,1% trong năm 2020). Lãi thuần HĐ dịch vụ (tăng 21%) và thu nhập khác (tăng 25%) sát kỳ vọng trong khi lãi mua bán trái phiếu vượt kỳ vọng của HSC.
Chi phí hoạt động giảm
Chi phí hoạt động tiếp tục được kiểm soát tốt trong Q4 và chỉ tăng 3% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2021, chi phí hoạt động giảm 5,9% và giảm cả ở Ngân hàng mẹ (giảm 4,8%) cũng như FEC (giảm 7,3%). Hệ số CIR theo đó giảm còn 24,2% từ 29,2% trong năm 2020. Hệ số CIR của VPB hiện thấp nhất trong số các NHTM chúng tôi khuyến nghị.
Chất lượng tài sản trái chiều
Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng lên 4,47% (từ 3,41% tại thời điểm cuối năm 2020 và 4% tại thời điểm cuối Q3/2021). Tỷ lệ nợ xấu Ngân hàng mẹ giảm còn 2,01% (từ 2,28% tại thời điểm cuối Q3/2021) nhưng tỷ lệ nợ xấu của FE Credit ước tăng lên 13,6% (từ 11% tại thời điểm cuối Q3/2021). Tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm đáng kể xuống 4,59% (Ngân hàng mẹ là 3,66% và FEC là 8%) từ 7,7% tại thời điểm cuối Q3/2021 (Ngân hàng mẹ là 5,3% và FEC là 17,7%).
Chi phí dự phòng hợp nhất tăng 24% so với cùng kỳ trong Q4/2021 và tăng 30% trong cả năm 2021; gồm 7.863 tỷ đồng (tăng 53%) trích lập tại Ngân hàng mẹ và 11.115 tỷ đồng (tăng 17,2%) trích lập tại FE Credit. Hệ số LLR tăng lên 60,9% từ 48,9% tại thời điểm cuối Q3/2021 và 45,3% tại thời điểm cuối năm 2020; thuộc nhóm thấp trong ngành.
Chất lượng tài sản nói chung có sự cải thiện tại Ngân hàng mẹ nhưng kém đi tại FEC. Như vậy, mặc dù nền kinh tế đã mở cửa trở lại nhưng tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với VPB vẫn còn.
Duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo. Hiện VPB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,5 lần; chiết khấu 12% so với bình quân P/B dự phóng năm 2022 nhóm NHTM tư nhân.