Ngân hàng VPBank (VPB): Phát hành riêng lẻ nâng cao giá trị

Nguồn: HSC

Phát hành riêng lẻ nâng cao giá trị

 

VPB

Tóm tắt

HSC nâng khuyến nghị đối với VPB lên Mua vào (từ Tăng tỷ trọng) và nâng 12% giá mục tiêu lên 45.800đ (tiềm năng tăng giá: 34%) sau khi nâng dự báo lợi nhuận và chuyển thời điểm định giá. Chúng tôi đã phân tích KQKD gần đây và triển vọng của VPB.

HSC lần lượt nâng 3,4%; 9,2% và 11% dự báo lợi nhuận năm 2021, 2022 và 2023. Dự báo EPS mới cho năm 2022-2023 của chúng tôi cao hơn thị trường, tăng với tốc độ CAGR là 28,7%.

Hiện P/B dự phóng năm 2022 của VPB là 1,46 lần; cao hơn một chút so với bình quân quá khứ nhưng thấp hơn 11% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân. Đáng chú ý là kế hoạch phát hành riêng lẻ sắp tới có thể nâng BVPS của VPB thêm 12-20% theo ước tính của chúng tôi.

Sự kiện: Phân tích sâu KQKD Q3 và 9 tháng đầu năm 2021

KQKD Q3/2021 của VPB kém khả quan. Lợi nhuận thuần hợp nhất Q3/2021 đạt 2.161 tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ và giảm 46% so với quý trước). Mặc dù KQKD Ngân hàng mẹ khả quan với lợi nhuận thuần đạt 2.356 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ) nhưng kết quả mảng tài chính tiêu dùng tại FE Credit (FEC) không khả quan với khoản lỗ thuần là 246 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh (tăng trưởng cho vay yếu, tỷ lệ NIM giảm và chi phí dự phòng tăng vọt). Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần hợp nhất đạt 9.397 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ) với KQKD của Ngân hàng mẹ và FEC trái chiều. Lợi nhuận thuần Ngân hàng mẹ đạt 8.700 tỷ đồng (cao hơn kỳ vọng và tăng 75% so với cùng kỳ) trong khi lợi nhuận thuần của FEC đạt 679 tỷ đồng (giảm 73,5% so với cùng kỳ và không đạt kỳ vọng của HSC).

Tác động: Nâng dự báo năm 2021-2023

HSC lần lượt nâng 9,2% và 11% dự báo lợi nhuận thuần năm 2022 và 2023 lên 16.391 tỷ đồng và 20.446 tỷ đồng. Cho năm 2021, mặc dù KQKD Q3/2021 kém khả quan, chúng tôi vẫn nâng 3,4% dự báo lợi nhuận thuần. Lý do chính HSC nâng dự báo lợi nhuận thuần năm 2022-2023 là: giảm giả định chi phí hoạt động vì chúng tôi thấy rằng nền tảng ngân hàng số được VPB đầu tư giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng. Trong khi đó HSC chỉ điều chỉnh nhẹ giả định tổng thu nhập hoạt động và chi phí dự phòng. HSC kỳ vọng KQKD của Ngân hàng mẹ sẽ tiếp tục khả quan trong khi mảng tài chính tiêu dùng sẽ hồi phục đáng kể.

Định giá và khuyến nghị

Giá cổ phiếu VPB đã tăng 86% trong 12 tháng qua, vượt 16% so với mức tăng bình quân của các ngân hàng khác. Giá VPB tăng mạnh một phần là nhờ cổ phiếu ngành ngân hàng nói chung được định giá lại ở mặt bằng cao hơn trong nửa đầu năm 2021, nhưng quan trọng hơn là nhờ thành công của thương vụ thoái vốn 50% tại FEC. Theo đó, hiện P/B trượt dự phóng 1 năm của VPB đã cao hơn bình quân quá khứ nhưng thấp hơn 11% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân. HSC nâng 12% giá mục tiêu lên 45.800đ; tương đương tiềm năng tăng giá 34% và P/B dự phóng năm 2022 là 1,94 lần; tương đương bình quân nhóm NHTM tư nhân. Chúng tôi kỳ vọng đợt phát hành riêng lẻ sắp tới sẽ được thực hiện trong nửa đầu năm 2022 tại mức P/B dự phóng năm 2022 trên 2 lần; từ đó có thể giúp BVPS của VPB tăng thêm 12-20% và theo đó giảm P/B dự phóng năm 2022 xuống còn 1,2-1,3 lần, là một mức định giá hấp dẫn đối với cổ phiếu VPB. Nâng khuyến nghị lên Mua vào.