Ngành Cá tra: Sản lượng phi lê, giá bán trung bình sẽ tăng trong năm 2024

                                                                              Nguồn: VCSC

Sản lượng phi lê, giá bán trung bình sẽ tăng trong năm 2024

 

 

Giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 2% YoY và 1% QoQ trong quý 4/2023. Dựa trên ước tính của chúng tôi từ dữ liệu của AgroMonitor, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 485 triệu USD trong quý 4/2023, chủ yếu do sản lượng tăng 5% QoQ. Điều này bị ảnh hưởng bởi giá bán trung bình (ASP) của các nhà xuất khẩu cá tra giảm 4% QoQ, trong đó ASP của công ty chủ chốt VHC giảm 28% YoY và 12% QoQ trong quý 4/2023.

Sản lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng nhẹ so với quý trước trong khi doanh số sang Trung Quốc và Châu Âu giảm trong quý 4/2023. Trong quý 4/2023, sản lượng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam) giảm 11% QoQ, chủ yếu do (1) nhu cầu hạ nhiệt sau mùa lễ hội Trung Quốc trong quý 3 và (2) sự cạnh tranh gay gắt với các loại phi lê cá thịt trắng khác ở thị trường thủy sản của quốc gia này. Điều đó cũng cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc vẫn quan tâm đến giá cả khi sử dụng dịch vụ ăn uống, được chứng minh rõ hơn bằng niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc duy trì ở mức thấp trong quý 4/2023. Do đó, chúng tôi nhận thấy dư địa tăng trưởng cho giá cá tra tại thị trường Trung Quốc vào năm 2024 sẽ thu hẹp. Trong khi đó, doanh số sang thị trường châu Âu tăng nhẹ 2% QoQ trong khi doanh số sang tị trường Mỹ tăng 6% QoQ, chúng tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu nhờ niềm tin của người tiêu dùng cao hơn trong mùa nghỉ lễ. Theo nhà chế biến/xuất khẩu cá VHC, khách mua tại thị trường Mỹ tỏ ra thận trọng về phí dây chuyền lạnh cao đối với việc bảo quản phi lê cá tra đông lạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ yếu và công ty dự kiến số lượng đơn đặt hàng sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2024 khi niềm tin của người tiêu dùng phục hồi và giá thực phẩm ổn định. Ngoài ra, chúng tôi tin rằng việc Mỹ và Châu Âu thắt chặt lệnh cấm cá và hải sản có nguồn gốc từ Nga có thể có tác động tích cực đến các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, bao gồm cả cá tra.

Nguồn cung khan hiếm trong quý 4/2023 do lượng đơn hàng thấp; giá hàng hóa giảm và dự báo thời tiết tốt hơn giúp giảm chi phí nuôi trồng vào năm 2024. Theo AgroMonitor, lợi suất từ nuôi cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm 15% YoY trong quý 4/2023. Người nuôi cá tra đã trì hoãn chu kỳ nuôi mới trong nửa cuối năm 2023 do (1) giá bán giảm xuống dưới mức hòa vốn và (2) chi phí nuôi cao. Chúng tôi kỳ vọng tình trạng nguồn cung thắt chặt sẽ tiếp tục diễn ra trong quý 1/2024. Tuy nhiên, sản lượng cá tra sẽ cải thiện trong quý 2/2024 sắp tới, do tác động của El Niño dự kiến sẽ giảm dần vào tháng 3/2024 trước khi có khả năng quay trở lại điều kiện trung tính từ quý 2/2024, theo dự báo của IRICS. Bên cạnh đó, giá bột đậu nành (nguyên liệu bột cá chính) đã giảm 23% trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2023 và được USDA dự báo sẽ giảm 10% YoY trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ giúp giảm chi phí nuôi trồng vào năm 2024.

Chúng tôi tăng 10% giá mục tiêu cho VHC lên 72.400 đồng/cổ phiếu nhưng hạ khuyến nghị từ MUA xuống KHẢ QUAN do giá cổ phiếu đã tăng 12% trong 2 tháng qua. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi đến từ dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2024-28 của chúng tôi cao hơn 10% (thay đổi tương ứng -7%/+1%/+4% cho năm 2024/25/26), vì chúng tôi giả định VHC sẽ tăng gấp đôi công suất C&G vào năm 2024/25. Chúng tôi cũng kỳ vọng sản lượng xuất khẩu phi lê đông lạnh của VHC sẽ phục hồi về mức trung bình của giai đoạn 2018-2023 vào năm 2024. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E dự phóng năm 2024/25 của VHC đạt 10,2/7,7 lần so với P/E trượt trung bình 3 năm là 10,1 lần và CAGR EPS dự phóng giai đoạn 2024-26 của chúng tôi là 27%.

Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến; căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao hơn dự kiến.