Ngành cảng biển: Nhu cầu thế giới suy yếu ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận

 Nguồn: HSC

Nhu cầu thế giới suy yếu ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận
  • Triển vọng ngành cảng biển trở nên khó khăn vì nhu cầu suy yếu, đặc biệt là nhu cầu tại Mỹ và EU. HSC dự báo sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam năm 2023 giảm 2%.
  • Thương vụ M&A: GMD dự kiến thoái toàn bộ 85% cổ phần tại cảng Nam Hải Đình Vũ, chủ yếu cho VSC. Theo đó GMD có thể ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên lớn trong khi VSC sẽ phát sinh chi phí tài chính để vay nợ tài trợ cho khoản đầu tư này. Về dài hạn, thương vụ này có lợi cho cả 2 doanh nghiệp.
  • Hiện ngành cảng biển không hấp dẫn. HSC giảm khuyến nghị đối với GMD xuống Nắm giữ (từ Tăng tỷ trọng) với giá mục tiêu 55.000đ (tiềm năng tăng giá 6%) và duy trì khuyến nghị Bán ra đối với VSC với rủi ro giảm giá 29%. Triển vọng lợi nhuận HĐKD cốt lõi của cả 2 doanh nghiệp không được lạc quan.
 

 
Năm 2023: Những khó khăn trong ngắn hạn
 
Sản lượng hàng container đạt 25,09 triệu TEU trong năm 2022, tăng 4,5% và thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng CAGR 13% trong giai đoạn 2015-2021. Vào Q4/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã giảm 5,8% so với cùng kỳ và giảm 7,3% so với quý trước xuống còn 172 tỷ USD vì khách hàng tại Mỹ và EU đồng loạt giảm đơn hàng vì tồn kho cao và nhu cầu thấp. Tình trạng này chủ yếu xuất phát từ động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTW và mặt bằng lạm phát cao. HSC dự báo kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu năm 2023 lần lượt tăng trưởng 5,7% và 4,5%; thấp hơn mức tăng trưởng năm 2022 là 7,9% và 10,3%. Với nhiều khó khăn trong ngắn hạn, chúng tôi quan ngại về triển vọng sản lượng hàng hóa qua các cảng biển và theo đó dự báo sản lượng sẽ giảm 2%. HSC dự báo sản lượng hàng container 6 tháng đầu năm 2023 sẽ giảm 7% so với cùng kỳ và hồi phục dần trong 6 tháng cuối năm 2023 với mức tăng 4% so với cùng kỳ khi tồn kho tại thị trường Mỹ và EU trở lại mặt bằng bình thường.
 
Sản lượng hàng tại các cảng container chủ chốt biến động trái chiều
 
HSC dự báo sản lượng hàng container năm 2023 tại khu vực Cái Mép Thị Vải (CMTV), một trung tâm cảng container tại khu vực phía Nam sẽ giảm 4% vì có tỷ trọng hàng đi thị trường Mỹ và EU cao. Trong khi đó, các cảng tại khu vực Hải Phòng – một trung tâm cảng chính tại miền Bắc – có triển vọng tích cực hơn với sản lượng hàng tăng 8% nhờ nhu cầu khả quan hơn từ thị trường Trung Quốc sau khi nước này mở cửa biên giới cộng với phí dịch vụ cảng tăng vì giảm dư thừa công suất.
 
Thương vụ M&A cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ thay đổi bản đồ ngành cảng biển tại Hải Phòng
 
GMD dự kiến thoái toàn bộ 85% cổ phần tại cảng Nam Hải Đình Vũ (NHDV) trong năm 2023 và VSC sẽ mua 75% cổ phần. Thương vụ M&A nhiều khả năng sẽ thay đổi bản đồ ngành cảng biển tại Hải Phòng vì các cụm cảng lớn sẽ được hình thành. Theo đó VSC sẽ có 5 bến cảng cạnh nhau. Trong khi đó, GMD dự kiến sẽ sử dụng tiền từ bán cảng NHDV để xây dựng cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3, hình thành 7 bến cảng tại khu vực này.
 
Hạ khuyến nghị đối với GMD xuống Nắm giữ, duy trì khuyến nghị Bán ra đối với VSC
 
Giá cổ phiếu ngành cảng biển đã có diễn biến như dự đoán của HSC trong 1&3 tháng qua với giá cổ phiếu GMD tăng và giá cổ phiếu VSC giảm. Tại mặt bằng giá hiện tại, chúng tôi không khuyến nghị mua vào cả 2 cổ phiếu trên nhưng ưa thích GMD hơn vì định giá rẻ tương đối so với tiềm năng tăng trưởng. HSC hạ khuyến nghị đối với GMD xuống Nắm giữ (từ Tăng tỷ trọng) với tiềm năng tăng giá 6% dựa trên giá mục tiêu 55.000đ (giữ nguyên) sau khi giảm 10% dự báo lợi nhuận HĐKD cốt lõi giai đoạn 2023-2024 vì hạ giả định sản lượng hàng qua cảng Gemalink (cảng GIL) tại khu vực CMTV. Theo dự báo mới, lợi nhuận HĐKD cốt lõi 3 năm tăng trưởng với tốc độ CAGR 10%. HSC giữ nguyên khuyến nghị Bán ra đối với VSC và giảm giá mục tiêu xuống còn 21.000đ (rủi ro giảm giá 29%) sau khi giảm mạnh dự báo lợi nhuận (lợi nhuận 3 năm tăng trưởng với tốc độ CAGR 13%).