Ngành cảng biển: Sản lượng hàng hóa hồi phục sau giãn cách

Nguồn: HSC

Sản lượng hàng hóa hồi phục sau giãn cách

 

Van tai

Tóm tắt

Đà tăng trưởng sản lượng hàng hóa mạnh mẽ nửa đầu năm 2021 đột ngột dừng lại trong Q3/2021 vì dịch Covid-19. Theo VPA, tổng sản lượng hàng container giảm 2,4% trong Q3/2021 sau khi tăng mạnh 28,4% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, HSC kỳ vọng sản lượng hàng hóa Q4/2021 sẽ hồi phục khi các yêu cầu về giãn cách được nới lỏng từ đầu tháng 10/2021 và hoạt động thương mại của Việt Nam có những dấu hiệu hồi phục rõ rệt.

HSC nâng giá mục tiêu cho GMD lên 62.000đ (tiềm năng tăng giá: 29%) và VSC lên 46.700đ (tiềm năng tăng giá 4,7%). Chúng tôi nâng khuyến nghị cho GMD lên Mua vào và giữ nguyên khuyến nghị Nắm giữ cho VSC.

Sản lượng hàng hóa Q3/2021 giảm vì thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội

Tổng sản lượng hàng hóa của toàn bộ thành viên VPA (chiếm khoảng 80% tổng lượng hàng hóa qua cảng của Việt Nam) đạt 4,4 triệu TEU trong Q3/2021, giảm 16,5% so với quý trước và giảm 2,4% so với cùng kỳ.

Trong đó, sản lượng hàng hóa qua các cảng phía nam trong Q3/2021 giảm mạnh 14% so với cùng kỳ tại khu vực TP HCM. Điều này xuất phát từ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bao gồm quy định 3 tại chỗ và các quy định kiểm soát trong vận chuyển liên tỉnh, từ đó làm giảm sản lượng sản xuất và gây ra những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa.

Tác động đối với các cảng khu vực phía Bắc không đáng kể. Trên thực tế, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển tại khu vực Hải Phòng trong Q3/2021 vẫn tăng nhẹ 6,3% so với cùng kỳ; tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 19,8% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021.

Triển vọng hồi phục của sản lượng hàng hóa nhờ nới lỏng giãn cách

Giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển đã được nới lỏng kể từ đầu tháng 10/2021 nhờ tốc độ tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh và số ca nhiễm Covid-19 giảm.

Từ đó các nhà máy đã tăng cường sản xuất và kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2021 đã tăng 0,3% so với cùng kỳ - là tháng đầu tiên kể từ tháng 7/2021 có sự tăng trưởng. Ngoài ra, chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 10/2021 công bố vượt lên trên mốc 50 điểm, đạt 52,1 điểm; cho thấy sản lượng sản xuất đã tăng trưởng trở lại sau 4 tháng giảm.

HSC kỳ vọng hoạt động thương mại sẽ tiếp tục cải thiện trong những tháng tới nhờ hoạt động sản xuất dần trở lại mức bình thường trước khi giãn cách. Ngành cảng biển sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ dự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu.

Định giá và khuyến nghị

Mặc dù tăng trưởng doanh thu thuần so với cùng kỳ Q3/2021 kém đi so với 6 tháng đầu năm 2021, GMD và VSC vẫn công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong Q3/2021 từ mức nền thấp của năm ngoái (GMD) và nhờ chi phí được quản trị hiệu quả hơn (VSC). HSC kỳ vọng GMD và VSC sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ lần lượt là 130% và 55% so với cùng kỳ trong Q4/2021.

Đối với VSC, HSC nâng giá mục tiêu lên 46.700đ (tiềm năng tăng giá: 4,7%) và duy trì khuyến nghị Nắm giữ. Hiện cổ phiếu VSC có EV/EBITDA trượt dự phóng 1 năm là 6,3 lần; cao hơn bình quân EV/EBITDA trượt dự phóng 1 năm trong quá khứ là 5,5 lần (bình quân 5 năm) trong khi triển vọng lợi nhuận không cho thấy tiềm năng được định giá lại ở mặt bằng cao hơn.