Ngành Cảng biển: Sản lượng qua cảng tăng mạnh nhờ nhu cầu hồi phục

                                                                                                                    Nguồn: HSC

Sản lượng qua cảng tăng mạnh nhờ nhu cầu hồi phục

 

 

  • Trong 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển tại ba trung tâm container chính của Việt Nam tăng 21% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu phục hồi mạnh mẽ và trên mức nền thấp của năm ngoái. Các cảng tại khu vực Cái Mép Thị Vải (CMTV) có KQKD vượt trội với sản lượng tăng ấn tượng 36% so với cùng kỳ trong giai đoạn này.
  • Cảng nước sâu Gemalink (GIL, GMD sở hữu 65% cổ phần) – đặt tại CMTV – tiếp tục mở rộng thị phần nhờ vị trí lý tưởng và cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất. Cảng này cũng được hưởng lợi từ tình trạng tắc nghẽn tại các cảng Singapore.
  • HSC nâng khuyến nghị đối với GMD lên Tăng tỷ trọng (từ Nắm giữ) với giá mục tiêu mới là 91.300đ (tăng 5% do điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận), tương đương tiềm năng tăng giá 12%. Dự báo mới cho thấy LNTT từ HĐKD cốt lõi của GMD sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 3 năm đạt 23%.
Sản lượng hàng hóa qua cảng biển tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2024
 
Cả ba trung tâm container của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2024. Cái Mép Thị Vải (CMTV), Hải Phòng (HP) và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đạt mức tăng trưởng sản lượng lần lượt 36%, 20% và 13% so với cùng kỳ. Sự cải thiện mạnh mẽ nhất ở CMTV được hỗ trợ khi nhu cầu tại thị trường Mỹ và EU phục hồi sau giai đoạn giảm hàng tồn kho từ Q3/2022 đến Q2/2023.
 
Trong số tất cả các cảng ở khu vực CMTV, GIL có mức tăng trưởng ấn tượng với sản lượng tăng gấp đôi so với cùng kỳ và mở rộng thị phần lên 27,2% trong 5 tháng đầu năm 2024 từ 18,6% trong 5 tháng đầu năm 2023 và 20,9% trong cả năm 2023. Cảng này đã giành thêm ba tuyến dịch vụ mới từ Q4/2023 nhờ vị trí chiến lược và cơ sở vật chất hiện đại trong khu vực CMTV, giúp GMD có khả năng tiếp nhận tàu có kích thước lớn nhất lên đến 250.000 DWT.
 
Tình trạng tắc nghẽn tại cảng Singapore có lợi cho các cảng nước sâu của Việt Nam
 
Tình trạng tắc nghẽn tại cảng Singapore từ tháng 5/2024 đã làm tăng sản lượng hàng hóa qua các cảng nước sâu của Việt Nam, bao gồm cả GIL. Do tình trạng tắc nghẽn tại cảng Singapore, các hãng tàu đang đưa tàu đến các cảng khác trong khu vực để tránh tàu cập bến trễ tại Singapore. Vấn đề tắc nghẽn có thể sẽ còn kéo dài trong những tháng tới khi mùa cao điểm đến. Dựa trên giả định này, HSC dự báo sản lượng của GIL sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm 2024.
 
Nạo vét luồng Kênh Hà Nam: Lợi thế cạnh tranh cho GMD
 
GMD đang nạo vét luồng Kênh Hà Nam để tăng độ sâu từ -7 mét hiện tại lên -8,5 mét. Dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng 7. Khi hoàn thành, cảng Nam Đình Vũ (NDV, GMD sở hữu 60% cổ phần) của GMD sẽ có thể tiếp nhận tàu lên đến 48.000 DWT, kích thước tàu lớn nhất có thể tiếp nhận tại các cảng trên sông Hải Phòng. Điều này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho GMD và giúp công ty thu hút thêm các tuyến dịch vụ tại cảng NĐV.
 
Nâng khuyến nghị lên Tăng tỷ trọng đối với GMD
 
HSC nâng khuyến nghị đối với GMD lên Tăng tỷ trọng (từ Nắm giữ) với giá mục tiêu mới là 91.300đ (tiềm năng tăng giá 12%) sau khi tăng bình quân 7% dự báo LNTT từ HĐKD cốt lõi năm 2024-2026 sau khi đưa vào mô hình dự báo những tác động tích cực từ tình trạng tắc nghẽn cảng đối với GIL và triển vọng tốt hơn cho cảng NĐV sau khi nạo vét luồng Kênh Hà Nam. GMD đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 19,8 lần, cao hơn 0,6 độ lệch chuẩn so với bình quân 3 năm ở mức 18,5 lần. HSC cho rằng GMD xứng đáng được định giá lại với mặt bằng cao hơn trên cơ sở triển vọng lợi nhuận mạnh mẽ.