- Một số hãng tàu lớn đã tạm dừng hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ do các cuộc tấn công của Houthi vào đầu năm. Các cuộc tấn công liên tục của phiến quân Houthi vào tàu thuyền di chuyển qua Biển Đỏ đã làm gia tăng lo ngại về rủi ro gián đoạn của hoạt động thương mại toàn cầu.
- Tàu thuyền chuyển hướng tránh khu vựxc Biển Đỏ sẽ làm tăng thời gian và chi phí vận chuyển đối với các tuyến hàng hải từ Việt Nam tới EU và Mỹ (bờ Đông). Chi phí gia tăng sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu vốn đã suy yếu.
- Theo đánh giá sơ bộ, sự gián đoạn này có thể sẽ tác động tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Rủi ro cùng chi phí vận chuyển của các công ty có tỷ trọng xuất khẩu/nhập khẩu tăng lên sẽ làm tăng giá bán hàng hóa trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Các hãng tàu tiếp tục tạm dừng di chuyển vào khu vực Biển Đỏ
Ngày 2/1/2024, hãng tàu Maersk & Hapag-Lloyd thông báo sẽ tiếp tục đưa các tàu tránh tuyến Biển Đỏ dẫn vào kênh đào Suez sau cuộc tấn công diễn ra cuối tuần nhằm vào một trong các tàu của Maersk. Cả 2 hãng tàu lớn này đã chuyển tuyến một số tàu đi qua Mũi Hảo Vọng phía nam Châu Phi trong thời gian này. Do quãng đường di chuyển của các tuyến mới dài hơn, thời gian vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với Mỹ (bờ Đông) & EU sẽ tăng lên lần lượt khoảng 7-10 ngày.
Chi phí vận chuyển tăng lên với mức độ tăng phụ thuộc vào từng loại tàu. Theo Freightwaves và nghiên cứu của HSC, đối với tuyến vận chuyển đường biển đến EU & Mỹ từ Việt Nam, chi phí (bao gồm phụ thu) dự kiến sẽ tăng lần lượt gấp ba và gấp đôi so với trước đây lên mức 5.000 USD & 2.900-4.100 USD cho một container 40 feet. Đối với hàng rời, theo tính toán của chúng tôi, chi phí vận chuyển tăng lên phụ thuộc vào kích cỡ tàu và loại sản phẩm. Ví dụ, đối với sản phẩm thép xuất khẩu sang EU, chi phí vận chuyển ước tính tăng khoảng 25-30 USD/tấn, tương đương tăng gần 40-50%. Chi phí vận chuyển OCC (thùng các tông phế liệu) từ EU sang Việt Nam cũng tăng 10-15 USD/tấn, làm giá OCC tăng 10% vào ngày 3/1/2024.
Các công ty Việt Nam có tỷ trọng xuất nhập khẩu lớn với EU và Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng
Đối với ngành Công nghiệp, HSC nhận thấy tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu bao gồm thép (HPG, HSG và NKG), gỗ/đá (PTB) và săm lốp (DRC) do: (1) chi phí vận chuyển tăng lên đối với các đơn hàng ký theo hợp đồng giá CIF đặt trước 1-2 tháng, (2) nhu cầu/đơn đặt hàng mới có nguy cơ giảm do giá hàng hóa tăng lên (cả thành phẩm và nguyên liệu đầu vào) và (3) thời gian giao hàng kéo dài hơn. Đối với DHC, chi phí đầu vào tăng lên (do chi phí vận chuyển tăng lên) dự kiến sẽ được chuyển toàn bộ vào giá bán nên tác động đối với DHC là không lớn.
Đối với các công ty cảng biển (GMD/VSC), tác động là rất nhẹ trong ngắn hạn do tất cả khách hàng của GMD đã chuyển hướng và không tác động nhiều đến sản lượng hàng hóa của ngành cảng biển vào thời điểm hiện tại. Nếu tình trạng này kéo dài, tác động tiêu cực sẽ tăng lên do chi phí vận tải đường biển cao sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa toàn cầu.Đối với hàng hóa hàng không (SCS), tác động ngắn hạn dự kiến sẽ chưa xuất hiện nhưng ngành này có thể sẽ hưởng lợi nếu giá cước vận tải đường biển duy trì ở mức cao trong thời gian dài vì vận tải hàng không sẽ là giải pháp thay thế giúp giảm thời gian giao hàng so với vận tải đường biển.