Ngành Dệt may: Vẫn quá sớm để mua vào vì khó khăn vẫn còn đó

                                 Nguồn: HSC

Vẫn quá sớm để mua vào vì khó khăn vẫn còn đó

 

 

 

  • Hoạt động xuất khẩu dệt may chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục với kim ngạch xuất khẩu giảm 4,5% trong Q4/2023 và giảm 11,7% trong năm 2023.
  • Tình hình gián đoạn logistic ở Biển Đỏ chỉ tác động nhẹ tới các doanh nghiệp dệt may trong danh sách khuyến nghị của HSC (STK & TCM) do hầu hết các đơn hàng xuất khẩu ký theo hợp đồng CMT & FOB. Tuy nhiên, tác động sẽ rõ ràng hơn nếu tình trạng này kéo dài.
  • Ngoài ra, công ty tư vấn McKinsey dự báo nhu cầu toàn ngành thời trang sẽ chỉ tăng trưởng rất nhẹ trong năm 2024, tăng trưởng 1-3% ở Mỹ và 0-2% ở EU (mặc dù Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 4-6%). Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ suy yếu do tập trung nhiều vào thị trường Mỹ/EU.
  • HSC duy trì khuyến nghị Nắm giữ với TCM nhưng đang xem xét lại dự báo với STK.
 
Hoạt động xuất khẩu vẫn yếu trong khi cuộc khủng hoảng ở Trung Đông tác động tiêu cực
 
Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm của Việt Nam giảm 11,7% trong năm 2023, trong đó Q4/2023 giảm 4,5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, HSC nhận thấy những thách thức mới xuất hiện đối với ngành dệt may từ cuộc khủng hoảng ở khu vực Trung Đông ảnh hưởng đến hoạt động vận tải ở Biển Đỏ. Những chuyến tàu có hải trình bình thường qua kênh đào Suez hiện phải chuyển sang hải trình dài hơn và làm tăng giá cước vận tải. Nếu tình trạng này kéo dài, giá bán lẻ sản phẩm dệt may sẽ tăng lên và doanh nghiệp xuất khẩu có thể sẽ cần hỗ trợ khách hàng nhập khẩu thông qua chia sẻ một số chi phí vận chuyển hoặc chiết khấu giá bán. Mặc dù tình hình này cho đến nay chỉ ảnh hưởng nhẹ đến các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam do hầu hết hợp đồng xuất khẩu từ Việt Nam đều ký theo CMT và FOB (doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không chịu chi phí vận chuyển). Tuy nhiên, nếu kéo dài, cuộc khủng hoảng này sẽ làm gia tăng sức ép lên nhu cầu dệt may toàn cầu và các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may.
 
Nhu cầu toàn cầu dự báo ảm đạm trong năm 2024
 
Theo khảo sát của doanh nghiệp tư vấn McKinsey, bất ổn địa chính trị là thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực thời trang bình dân trong năm nay. McKinsey dự báo doanh số bán lẻ mặt hàng này trong năm 2024 sẽ chỉ tăng nhẹ 0-2% ở Mỹ, 1-3% ở EU và 4-6% ở Trung Quốc. Do Mỹ hiện là khách hàng lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam với tỷ trọng 43,9% kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2023 (EU là 11,6%) nên dự báo trên cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ kém tích cực trong thời gian tới.
 
HSC duy trì khuyến nghị Nắm giữ đối với TCM và đang xem xét lại khuyến nghị đối với STK
 
HSC tái khẳng định quan điểm nhu cầu đối với sản phẩm dệt may sẽ tiếp tục kém tích cực do bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Nắm giữ đối với TCM và đang xem xét lại khuyến nghị đối với STK. Theo dự báo hiện tại, lợi nhuận thuần năm 2024 sẽ tăng trưởng dương từ mức nền rất thấp trong năm 2023 nhưng lợi nhuận năm 2024 & 2025 vẫn sẽ thấp hơn so với năm 2022.
 
STK: HSC hiện dự báo lợi nhuận thuần đạt lần lượt 81 tỷ đồng (giảm 66% so với cùng kỳ), 117 tỷ đồng (tăng trưởng 44%) và 119 tỷ đồng (tăng trưởng 3% nhưng vẫn thấp hơn năm 2022 ở mức 242 tỷ đồng) trong giai đoạn 2023-2025. STK đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 21,5 lần, cao hơn 14% (0,4 độ lệch chuẩn) so với bình quân từ đầu năm 2021 ở mức 18,9 lần.
TCM: HSC hiện dự báo lợi nhuận thuần đạt lần lượt 152 tỷ đồng (giảm 46% so với cùng kỳ), 202 tỷ đồng (tăng trưởng 33%) và 238 tỷ đồng (tăng trưởng 17% nhưng vẫn thấp hơn năm 2022 ở mức 279 tỷ đồng) trong giai đoạn 2023-2025. TCM đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 22 lần, thấp hơn 0,8 độ lệch chuẩn (20%) so với bình quân từ đầu năm 2021 ở mức 27,4 lần.