Ngành điện: Cập nhật triển vọng ngành điện năm 2024

                                         Nguồn: ADB

 

 

Cập nhật ngành điện Q3.23 và 9T.23

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong quý 3 đạt 75,3 tỷ kWh (+5,9% svck). Lũy kế 9 tháng, sản lượng toàn hệ thống tăng 3,1% svck, đạt 209,9 tỷ kWh do nhu cầu từ nhóm Công nghiệp- Xây dựng yếu.

Cơ cấu sản lượng điện 9T.2023:

  • Nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và đóng vai trò là nguồn điện chạy nền chính, chiếm 46,3% tổng cơ cấu nguồn điện.
  • Thủy điện chiếm 27,7% tổng sản lượng, tăng so với đầu năm nhờ trong quý 3 tình hình thủy văn cải thiện.
  • Nhiệt điện khí chiếm 9,9% tổng cơ cấu và giảm tỷ trọng do trong kỳ các nhà máy thực hiện sửa chữa dẫn đến sản lượng điện giảm đồng thời vẫn chịu cạnh tranh từ nguồn NLTT (Năng lượng tái tạo).
  • NLTT chiếm 13,9% tổng cơ cấu nhờ chính sách giá tạm tính đối với các dự án điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023.

Mức giá CGM trung bình (FMP) trong Qúy 3 giảm 29,8% svck và giảm 41% so với quý trước, trung bình đạt 1.081 đồng/kWh do trong quý 3 sản lượng điện huy động từ thủy điện cao hơn. Trung bình 9T.2023, giá FMP đạt 1.538,25 đồng/kWh, cao hơn 4% svck.

EVN điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lần thứ 2 trong năm lên mức 2.006,79 đồng/kWh, tăng 4,5% so với mức hiện hành. Việc tăng giá điện giúp EVN tăng doanh thu và giảm bớt khó khăn về tài chính trong thời gian tới.

Miền Bắc thiếu điện vào mùa cao điểm

Trong giai đoạn 2016-2020, miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước, tăng 6.000 MW/năm, trong khi đó tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.000 MW/năm. Hiện tại nguồn cung cấp điện cho miền Bắc chủ yếu là thủy điện và điện than. Trong giai đoạn từ tháng 5-7, miền Bắc bước vào mùa cao điểm nắng nóng khiến công suất tiêu thụ tăng 15% svck. Nguồn huy động từ thủy điện giảm do diễn biến thủy văn bất lợi, trong khi đó các nhà máy nhiệt điện than đều hoạt động tối đa công suất dẫn đến những sự cố về thiết bị đồng thời tình trạng thiếu than cũng xảy ra tại các nhà máy giai đoạn đầu năm do việc mua than bổ sung gặp khó khăn khiến miền Bắc xảy ra tình trạng thiếu điện.

Kết quả kinh doanh sụt giảm trong Q3.2023 và 9T.2023.
 
Thống kê 47 doanh nghiệp điện trên 3 sàn, trong Q3.2023 tổng doanh thu đạt 31.941 tỷ đồng (-29% svck) và LNST đạt 1.328 tỷ đồng (-76% svck). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu đạt 112.845 tỷ đồng và LNST đạt 8.853 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 50% svck. Trong đó, hai nhóm điện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn là nhiệt điện than và thủy điện đều có ghi nhận sự sụt giảm.
 
Nhóm nhiệt điện than chịu ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu đầu vào tăng cao: Mặc dù doanh thu tăng trưởng 12,1% svck nhờ được huy động nhiều hơn do điều kiện thủy văn kém thuận lợi, các doanh nghiệp nhiệt điện than ghi nhận LNST tăng trưởng âm 25,7% so với cùng kỳ chủ yếu do giá bán không bù đắp được chi phí nguyên liệu. Giá than trung bình 9T.2023 vẫn cao hơn 36,5% so với cùng kỳ khiến giá thành của các nhà máy vẫn ở mức cao.
 
Nhóm thủy điện chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi pha thời tiết El Nino: Hiện tượng La Nina chỉ duy trì đến hết quý 1 năm 2023, pha El Nino bắt đầu xuất hiện từ tháng 5/2023 khiến nền nhiệt tăng cao ảnh hưởng đến KQKD các doanh nghiệp thủy điện. Doanh thu và LNST 9T.2023 của các doanh nghiệp giảm lần lượt 19,5% và 30,6% svck.
 
KQKD so với kế hoạch năm 2023: Đa phần các doanh nghiệp điện đều đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng đi lùi trong năm 2023. Kết thúc 9 tháng đầu năm, một số doanh nghiệp như BTP, HND, PPC, DNH đều vượt kế hoạch LNST đề ra. Các doanh nghiệp QTP, POW, VSH cũng đạt được tỷ lệ hoàn thành so với kế hoạch cao.
 
Triển vọng ngành điện
 
Nhu cầu tiêu thụ điện và công suất
 
Lũy kế 11 tháng, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 257,35 tỷ kW/h, tăng 4,3 % svck. Dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện năm 2023 khoảng 4,6% do nhu cầu tiêu thu điện từ nhóm công nghiệp- sản xuất vẫn còn yếu. Bước sang năm 2024, Agriseco Research đánh giá ngành điện sẽ tăng trưởng trên mức nền thấp năm 2023. Theo thống kê, phụ tải điện có hệ số tăng trưởng thường trên 1,5 đến 1,8 lần tăng trưởng GDP (theo năm). Với kì vọng GDP tăng trưởng ở mức 6% - 6,5% theo mục tiêu Chính phủ đề ra, chúng tôi ước tính phụ tải đạt mức tăng trưởng ít nhất trên 9% trong năm 2024 đến từ kỳ vọng thị trường bất động sản và nhóm ngành sản xuất công nghiệp có sự hồi phục; phù hợp với kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 của EVN.
 
Các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024.
 
Về công suất nguồn: Theo Bộ Công Thương, sẽ có khoảng 4.298 MW nguồn điện mới đi vào vận hành trong năm 2023 với sự tham gia của 2.632 MW từ nhà máy Nhiệt điện than Thái Bình II (1.200 MW) và Nhiệt điện Vân Phong I (1.432 MW) đi vào vận hành. Cùng với đó, tính đến ngày 03/11/2023, có 21 nhà máy/phần nhà máy NLTT với tổng công suất 1.201,42 MW đã hoàn thành thủ tục COD (vận hành thương mại).
 
Chúng tôi kỳ vọng rằng trong năm 2024, 3.394,44 MW công suất NLTT chuyển tiếp còn lại sẽ hoàn thành thống nhất mức giá bán điện với EPTC (Công ty mua bán điện) và có thể đi vào vận hành.
 
Thủy điện vẫn còn nhiều khó khăn do chu kỳ El Nino còn tiếp diễn đến nửa đầu 2024
 
Theo dự báo của IRI (Viện nghiên cứu quốc tế), dự báo từ tháng 11.2023- hết tháng 4.2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất từ 80-90% với cường độ giảm dần trước khi chuyển sang pha trung tính vào giữa năm 2024. Các nhà máy thủy điện sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực do pha El Nino sẽ gây ra hiện tượng khô hạn và mực nước về hồ ít hơn.
 
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, tổng lượng mưa thấp hơn so với TBNN (trung bình nhiều năm). Ngược lại, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, tổng lượng mưa có khả năng cao hơn hoặc bằng TBNN. Do đó, thủy điện tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ gặp ít khó khăn hơn các khu vực còn lại.
 
Nhiệt điện than được huy động tối đa công suất để bù đắp sự thiếu hụt từ thủy điện
 
Trong năm 2024, sản lượng điện than được huy động sẽ tăng cao nhờ (1) Nhu cầu tiêu thụ điện phục hồi; (2) Nhiệt điện than được huy động để bù đắp sự thiếu hụt từ thủy điện trong bối cảnh khí hậu vẫn trong pha El Nino; (3) Giá than nhập khẩu ổn định tạo điều kiện cho TKV giảm giá than trộn giúp giá bán điện than cạnh tranh hơn.
 
Theo IEA (Cơ quan Năng lượng quốc tế), ước tính tổng lượng tiêu thụ than toàn cầu sẽ tăng 1,4% trong năm 2023 lên khoảng 8,54 tỷ tấn do nhu cầu sử dụng điện (chạy bằng than) tăng trong bối cảnh thủy điện giảm do hiện tượng thời tiết El Nino. Tuy nhiên, nguồn NLTT đang gia tăng nhanh chóng giúp nhu cầu về than giảm từ năm 2024 và dần ổn định vào năm 2026. Theo dự báo của KPMG tháng 10.2023, giá than Newcasle trung bình năm 2023 đạt 184,8 USD/tấn, sau đó giảm tiếp 20% xuống còn 149 USD/tấn vào năm 2024.
 
Điện gió là mũi nhọn phát triển theo quy hoạch điện VIII
 
Chi phí đầu tư giảm: Suất đầu tư bình quân của các nhà máy điện gió đã giảm đáng kể trong vòng hơn 10 năm qua. Cụ thể, suất đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ năm 2022 lần lượt là 3.461 USD/kW và 1.274 USD/kW giảm 26% và 35% so với năm 2010. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) dự báo tổng chi phí lắp đặt của các dự án điện gió sẽ tiếp tục giảm khoảng 40% vào năm 2030 và 50% vào năm 2050 so với năm 2021. Chi phí đầu tư thấp hơn sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất điện gió trong bối cảnh giá bán theo cơ chế mới thấp hơn khoảng 20% so giá FIT.
 
Công suất nguồn được đẩy mạnh: Với mục tiêu phát triển hàng đầu trong Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng nguồn điện gió tăng từ mức 5% năm 2022 lên 19% năm 2030 và 29% năm 2050. Trong đó, điện gió trên bờ sẽ tăng trưởng kép 20% giai đoạn 2022 - 2030 và 6% trong giai đoạn 2030 – 2050. Về điện gió ngoài khơi, dự kiến từ nay đến 2030, Việt Nam sẽ phát triển 6.000 MW và tăng trưởng kép 15% trong giai đoạn 2030 – 2050.
 
Tuy nhiên, với việc mức giá trần trong khung giá được Bộ Công Thương công bố thấp hơn mức FIT trước đây khá nhiều sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các chủ đầu tư dự án NLTT trong ngắn hạn.
 
Điện khí phục hồi chậm
 
Nguồn khí cấp cho phát điện giảm: Mới đây, Bộ Công Thương thông qua kế hoạch cung cấp khí cho sản xuất điện năm 2024. Theo đó, sản lượng khí cấp cho sản xuất điện năm 2024 là 4,19 – 4,47 tỷ m3 (giảm 25% svck). Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ là 2,9 – 3,06 tỷ m3 (giảm khoảng 30% svck), khu vực Tây Nam Bộ là 1,24 – 1,41 tỷ m3, tương đương năm 2023
 
Giá khí trên thế giới được dự báo tăng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các nhà máy điện khí: Theo EIA (Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ), giá khí tự nhiên cả năm 2024 đạt 2,79 USD/MMBtu, tăng 9% so với trung bình năm 2023 là 2,56 USD/ MMBtu
 
Cơ hội đầu tư nhóm điện
 
CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCOM- QTP)- Giá mục tiêu: 18.000đ/cp
  • Hưởng lợi nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm: Giá than thế giới đã giảm mạnh tron quý 3 giúp giá than nhập khẩu điều chỉnh giảm 15% so với quý 2.2023, TKV có thể điều chỉnh giá than trộn giảm trong khi giá bán điện sẽ tăng cao trở lại khi vào mùa khô.
  • Hưởng lợi từ chu kỳ thời tiết El Nino: Chu kỳ thời tiết El Nino được dự báo sẽ kéo dài đến giữa năm 2024 trước khi chuyển sang pha trung tính do đó QTP được huy động tối đa công suất để bù đắp cho sự thiếu hụt từ thuỷ điện.
  • Tình hình tài chính lành mạnh: Với việc áp lực nợ vay giảm dần, QTP có nhiều dư địa để tăng trả cổ tức cho cổ đông trong những năm tới.
 
TCT Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP- (HSX- POW)- Giá mục tiêu: 14.000đ/cp
  • Kỳ vọng POW sẽ chạy tối đa công suất khi không có các đợt sửa chữa lớn trong năm và nhà máy Vũng Áng 1 đã chính thức vận hành trở lại vào giữa Q3.2023.
  • Các nhà máy nhiệt điện được huy động công suất cao để bù đắp sản lượng sụt giảm từ thuỷ điện: Tổng công suất nhiệt điện chiếm hơn 90% tổng công suất của POW, POW sẽ được hưởng lợi khi các nhà máy nhiệt điện tiếp tục được huy động nhiều hơn trong 2024 do hiện tượng El Nino
 
 
Tổng Công ty Phát điện 3-CTCP (HSX-PGV)- Giá mục tiêu: 28.000đ/cp
  • Nguyên vật liệu đầu vào ổn định giúp các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ được vận hành liên tục: PGV chiếm khoảng 11% công suất đặt phía Nam với các nhà máy nhiệt điện đều đóng vai trò chạy nền do đó được ưu tiên cung cấp khí ổn định hơn các nhà máy NT1 và NT2. Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ của PGV được bao tiêu lượng lớn khí của bể Nam Côn Sơn do đó sẽ ít xảy ra tình trạng thiếu khí.
  • Giá than được dự báo hạ nhiệt nhờ nguồn cung ổn định: Các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và Mông Dương sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào. Dự báo nhập khẩu than sẽ dễ dàng hơn nhờ nguồn cung than ổn định từ đó giúp chi phí đầu vào của các nhà máy nhiệt điện than giảm.