Ngành Hàng không: Tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại

Nguồn: SSI

Tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại

 

 

Gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc đã công bố quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm các quốc gia được phép du lịch theo nhóm dành cho công dân Trung Quốc, quyết định có hiệu lực từ ngày 15/3/2023, đúng 1 năm sau khi Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn. Dưới đây là một số đánh giá và quan điểm của chúng tôi:

Thứ nhất, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa lại biên giới vào đầu năm 2023 cho ngành du lịch cá nhân, nhưng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 71 nghìn khách, rất ít so với 890 nghìn khách vào năm 2019. Chúng tôi cho rằng sự phục hồi chậm này là do du lịch theo nhóm đến Việt Nam ở mức thấp, cũng như một số yếu tố khác, như thu nhập khả dụng và tiết kiệm cá nhân ở mức thấp hơn. Do đó, thông báo này là một bước quan trọng khác để tiếp tục phục hồi khách du lịch quốc tế cho Việt Nam, vì Trung Quốc là thị trường trong và ngoài nước lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019.

Thứ hai, chúng tôi cho rằng quyết định được đưa ra vào thời điểm này là phù hợp. Mùa du lịch cao điểm của thị trường khu vực châu Á là kỳ nghỉ hè, nên có nhiều thời gian cho các bên liên quan trong ngành (hãng hàng không, sân bay, đại lý du lịch, công ty khách sạn...) kích hoạt lại cơ sở vật chất và tăng số lượng nhân viên. Chúng tôi cho rằng nhu cầu du lịch của người Trung Quốc có thể bị dồn nén trong năm nay, sau 3 năm liên tiếp thực hiện chính sách giãn cách xã hội và không có du lịch quốc tế. Do đó, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm đã đề cập trong báo cáo chiến lược năm 2023 đó là: mặc dù ban đầu quá trình phục hồi có thể chậm hơn, nhưng chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi sẽ bùng nổ vào kỳ nghỉ hè năm 2023 (Q2-Q3/2023), với lượng hành khách đạt đỉnh vượt thời kỳ trước COVID ở một số điểm, trong khi mức phục hồi cả năm sẽ đạt khoảng 80% so với mức trước dịch Covid trong năm 2019 nếu xét về lượng hành khách quốc tế, tạo bước đệm cho sự phục hồi khách quốc tế hoàn toàn trong năm 2024 đối với Việt Nam.

Ngành hàng không là ngành được hưởng lợi chính từ sự phục hồi, bao gồm tất cả các công ty có liên quan như hãng hàng không, sân bay và cung cấp dịch vụ sân bay. Hiện tại, chúng tôi ưa thích các công ty sân bay và dịch vụ sân bay (như ACV, AST, SGN), vì bản chất giống như độc quyền khiến các công ty này có những vị thế hoàn hảo để hưởng lợi hoàn toàn từ sự phục hồi của hành khách quốc tế, với tình hình tài chính vững mạnh.

Mặt khác, khả năng phục hồi doanh thu của các hãng hàng không gần như là chắc chắn (do Trung Quốc cũng là thị trường nước ngoài lớn nhất của du lịch Việt Nam). Trong khi đó, sự phục hồi lợi nhuận ròng dự kiến sẽ còn mất thêm khá nhiều thời gian nữa, do cạnh tranh và chi phí nhiên liệu vẫn gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận của ngành hàng không, vốn luôn rất thấp ngay cả trong thời gian hoạt động bình thường (biên lợi nhuận ròng năm 2019 của các hãng hàng không tại Việt Nam trong khoảng 3%-7%). Đối với các hãng hàng không, chúng tôi kỳ vọng vào nhiều chuyến bay quốc tế hơn để giảm cạnh tranh về giá, giảm chi phí vốn và giảm rủi ro về chi phí nhiên liệu vào cuối năm 2023. Việc nối lại các chuyến bay quốc tế ban đầu có thể không mang lại lợi nhuận hoặc có khả năng sinh lời thấp do cạnh tranh cao giữa các hãng hàng không để giành lại thị phần quốc tế, trong khi hiệu quả thấp hơn so với trước COVID do công suất hoạt động của đội bay thấp. Chúng tôi cho rằng ngành hàng không vẫn phải đối mặt với một số trở ngại trong năm 2023, điều này có thể dẫn đến nhu cầu tái cơ cấu/bán tài sản/các hoạt động M&A từ phía các hãng hàng không. Đó là lý do tại sao chúng tôi chưa khuyến nghị các cổ phiếu hãng hàng không cho nhà đầu tư trong thời điểm này.

Về ACV (công ty khai thác sân bay), chúng tôi kỳ vọng ACV sẽ ghi nhận LNTT cốt lõi năm 2023 là 8,7 nghìn tỷ đồng (cải thiện từ 7 nghìn tỷ đồng trong năm 2022), tương đương 85% LNTT năm 2019. Chúng tôi hiện có giá mục tiêu đối với ACV là 98.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 15%), dựa trên EV/EBITDA 2023 mục tiêu là 18x.

Về AST (công ty bán lẻ và cửa hàng miễn thuế tại sân bay), chúng tôi kỳ vọng LNTT năm 2023 sẽ tăng lên mức 234 tỷ đồng, từ mức hòa vốn năm 2022 và tương đương 88% LNTT năm 2019. Chúng tôi hiện có giá mục tiêu đối với AST là 69.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 22%), dựa trên P/E 2023 mục tiêu là 20x.

Về SGN (công ty phục vụ hành khách mặt đất), hiện tại SGN không thuộc danh sách chúng tôi nghiên cứu, vì vậy chúng tôi chưa có số liệu ước tính đối với SGN. Tuy nhiên, trong năm 2022, SGN ghi nhận180 tỷ đồng LNTT, tương đương 38% LNTT năm 2019. Vì hành khách quốc tế là nguồn doanh thu chính của công ty, theo đó, chúng tôi kỳ vọng SGN sẽ phục hồi nhanh từ năm 2023 trở đi tương tự như các công ty sân bay khác.