Ngành Viễn thông: Kế hoạch đấu giá tiếp tục trì hoãn nhưng là thông tin tích cực đối với việc phát triển mạng 5G

                           Nguồn: HSC

Kế hoạch đấu giá tiếp tục trì hoãn nhưng là thông tin tích cực đối với việc phát triển mạng 5G

 

 
  • Ngày 6/12/2023, Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) đã hủy bỏ kế hoạch đấu giá cho băng tần 2,5-2,6 GHz do đợt đấu giá này chỉ có một đơn vị trúng thầu để trở thành nhà cung cấp dịch vụ mạng 5G duy nhất.
  • Theo đó, Bộ TT&TT hiện lên kế hoạch tổ chức đấu giá đồng thời cho cả dải băng tần 2,5-2,6 GHz và 3,7-3,9 GHz, từ đó giúp gia tăng số lượng băng tần được lên kế hoạch để phục vụ mạng 5G và số lượng nhà mạng có thể tham gia đấu giá. HSC cho rằng đây là một thông tin tích cực đối với việc phát triển mạng 5G.
  • HSC tiếp tục ưa thích cổ phiếu CTR nhờ câu chuyện 5G. Mặc dù kế hoạch đấu giá sẽ tiếp tục chậm trễ so với kế hoạch ban đầu nhưng chúng tôi cho rằng việc số lượng nhà mạng tham gia cuộc đua 5G tăng lên sẽ giúp nâng cao triển vọng dài hạn của CTR do các nhà mạng sẽ phải cạnh tranh về tốc độ triển khai mạng 5G.
 
Tạm thời hủy bỏ kế hoạch đấu giá băng tần 2.500-2.600 MHz…
 
Vào ngày 6/12/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Thông báo số 273/TB-BTTTT hủy bỏ kế hoạch đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần viễn thông ở dải băng tần 2.500-2.600 MHz. Đây là lần chậm trễ thứ 2 trong việc đấu giá băng tần sau thất bại của đợt đấu giá băng tần lần đầu tiên vào tháng 5-6/2023 (HSC tin rằng nguyên nhân thất bại là do các điều khoản không thuận lợi bao gồm giá khởi điểm cao và lịch trình thanh toán chặt chẽ).
 
Kế hoạch đấu giá gần đây nhất đã được phê duyệt vào ngày 25/10/2023 thông qua ‘Quyết định 2041/QĐ-BTTT’. Theo Quyết định này, chỉ có một dải băng thông rộng 100 MHz được đấu giá.
 
…nhưng nhiều dải băng tần hơn được lên kế hoạch cho mạng 5G
 
Để tạo điều kiện cho nhiều hơn một nhà mạng tham gia cuộc đua 5G, Bộ TT&TT hiện đặt kế hoạch tổ chức đấu giá đồng thời 2 băng tần (bao gồm 2.500-2.600 MHz và 3.700-3.900 MHz). Ngày 23/11/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BTTTT thông qua quy hoạch băng tần 3.560-4.000 MHz dùng cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam.
 
Với quyết định mới này, cuộc đấu giá băng tần 5G có thể bị chậm trễ một chút nhưng số lượng băng tần được đưa ra đấu giá sẽ tăng lên, từ đó giúp gia tăng số lượng nhà mạng tham gia. Trong khi đó, việc ngừng dần hoạt động mạng 2G & 3G trong năm tới sẽ tạo dự địa băng tần cho việc phát triển mạng 4G & 5G đồng thời giúp giảm bớt nhu cầu đối với băng tần 5G trong ngắn hạn.
 
Triển vọng dài hạn của CTR được củng cố
 
CTR vẫn là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi nhờ hưởng lợi từ (i) sự chuyển đổi từ mạng 2G & 3G sang mạng 4G và (ii) triển khai thương mại mạng 5G. HSC hiện khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu là 106.000đ (tiềm năng tăng giá 20%). Mặc dù kế hoạch đấu giá băng tần có thể chậm trễ hơn một chút so với kế hoạch ban đầu, nhưng chúng tôi nhận thấy việc số lượng nhà mạng tham gia vào cuộc đua 5G gia tăng sẽ củng cố triển vọng dài hạn của CTR do mức độ cạnh tranh về tốc độ triển khai mạng 5G có thể tăng lên.
 
Viettel nhiều khả năng sẽ là công ty đi tiên phong trong việc phát triển 5G với vị thế là nhà mạng hàng đầu Việt Nam với thị phần thống trị (trên 50%). Do đó, CTR sẽ hưởng lợi từ sự kiện này, đặc biệt là mảng cho thuê hạ tầng viễn thông (TowerCo), do việc phát triển 5G sẽ đẩy mạnh nhu cầu xây dựng trạm BTS 5G với quy mô lớn. Tỷ suất lợi nhuận mảng cho thuê hạ tầng viễn thông rất cao với tỷ suất EBITDA khoảng 60%.