- Sau một vài lần trì hoãn, cuộc đấu giá băng tần 5G tổ chức ngày 8/3/2024 đã thành công với Viettel là doanh nghiệp trúng đấu giá khối băng tần B1 (2,5-2,6 GHz). Các cuộc đấu giá tiếp theo cho 2 khối băng tần khác – khối C2 (3,7-3,8 GHz) vào ngày 19/3 và khối C3 (3,8- 3,9 GHz) vào ngày 14/3 – dự kiến sẽ có thêm hai nhà mạng khác trúng đấu giá.
- Các nhà mạng trúng đấu giá sẽ được cấp giấy phép triển khai thương mại mạng 5G, thúc đẩy nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng mới để hỗ trợ triển khai thương mại hóa.
- CTR, cổ phiếu hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông Việt Nam, là lựa chọn hàng đầu của HSC trong câu chuyện 5G này. Được hậu thuẫn bởi công ty mẹ Viettel, nhà mạng lớn nhất Việt Nam, CTR đã sẵn sàng dẫn đầu kế hoạch xây dựng các trạm BTS của Viettel. HSC hiện khuyến nghị Mua vào đối với CTR với giá mục tiêu là 120.600đ (tiềm năng tăng giá 15%).
Đấu giá thành công băng tần 5G
Sau nhiều lần trì hoãn (do các vấn đề khác nhau và thay đổi trong kế hoạch) thì cuối cùng các cuộc đấu giá băng tần 5G được mong đợi từ lâu cũng diễn ra trong tháng này. Viettel đã trúng đấu giá khối băng tần đầu tiên, khối B1 (2,5-2,6 Ghz), vào ngày 8/3 với mức giá cao nhất là 7.533 tỷ đồng (so với giá khởi điểm 3.983 tỷ đồng). Hai phiên đấu giá cho 2 khối băng tần còn lại (C2: 3,7-3,8 GHz và C3: 3,8-3,9 Ghz) sẽ diễn ra lần lượt vào ngày 14/3 (C3) và 19/3 (C2); chúng tôi kỳ vọng các phiên đấu giá tới cũng sẽ diễn ra thành công. Lưu ý, mỗi nhà mạng chỉ có thể đấu giá tối đa cho một khối băng tần. Do đó, sự kiện lần này sẽ có tối đa 3 nhà mạng trúng thầu cho 3 khối.
Cơ sở hạ tầng cần có trước khi triển khai thương mại hóa mạng 5G
Các nhà mạng trúng đấu giá sẽ được cấp giấy phép triển khai thương mại mạng 5G và được yêu cầu xây dựng tối thiểu 3.000 trạm BTS 5G trên toàn quốc trong vòng 2 năm để làm cơ sở hạ tầng hỗ trợ triển khai thương mại hóa. Đây mới chỉ là yêu cầu tối thiểu cho thấy quyết tâm của nhà mạng trong việc triển khai thương mại hóa mạng 5G, còn yêu cầu/nhu cầu xây dựng trạm BTS 5G thực tế nhiều khả năng vượt xa yêu cầu tối thiểu.
CTR là lựa chọn hàng đầu (khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu 120.600đ)
CTR, cổ phiếu dẫn đầu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng viễn thông, là lựa chọn hàng đầu của HSC trong câu chuyện 5G. Có được sự hỗ trợ từ công ty mẹ Viettel (nhà mạng lớn nhất Việt Nam sở hữu 66% cổ phần của CTR và vừa thắng đấu giá khối băng tần 5G đầu tiên), CTR đã trở thành một doanh nghiệp tích hợp tham gia vào nhiều lĩnh vực của ngành viễn thông bao gồm vận hành mạng lưới, xây dựng và cho thuê hạ tầng. Tất cả những mảng kinh doanh này đều sẽ hưởng lợi từ việc thương mại hóa mạng 5G; trong đó, mảng cho thuê hạ tầng (với trụ cột là các trạm BTS) dự kiến sẽ có sự tăng trưởng đột phá do nhu cầu xây dựng hàng loạt các trạm BTS 5G. CTR gần đây đã tiết lộ dự báo sơ bộ mảng cho thuê hạ tầng viễn thông, theo đó doanh thu mảng này giai đoạn 2025-2030 dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR là 25% theo kịch bản cơ sở.
HSC hiện khuyến nghị mua vào đối với CTR với giá mục tiêu 120.600đ (tiềm năng tăng giá 15%) và đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu này. Sau khi giá cổ phiếu tăng mạnh lần lượt 8% và 20% trong 1 tháng & 3 tháng qua, CTR đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng năm 2024 và 2025 lần lượt là 12 lần và 8,8 lần, tương đương EV/EBITDA trượt dự phóng 1 năm là 11,3 lần, cao hơn bình quân từ năm 2021 ở mức 8,8 lần, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các công ty cùng ngành trên thế giới. Ngoài ra, chúng tôi tin rằng CTR xứng đáng được định giá lại ở mặt bằng cao hơn trên cơ sở triển vọng mạnh mẽ. Lưu ý, cho giai đoạn 3 năm (2023- 2026), HSC hiện dự báo EBITDA của CTR tăng trưởng với tốc độ CAGR là 28%; còn cho giai đoạn 5 năm (2023-2028), chúng tôi dự báo sơ bộ EBITDA sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 25%.