- Ngày 17/1/2024, Bộ TT&TT công bố kế hoạch đấu giá tiếp theo cho băng tần mạng 5G sau một vài lần trì hoãn trong năm 2023.
- Theo đó, 3 dải băng tần (bao gồm: B1: 2,5-2,6 GHz, C2: 3,7-3,8 GHz và C3: 3,8-3,9 GHz với mỗi dải băng thông rộng 100MHz) sẽ được đấu giá đồng thời. So với kế hoạch đấu giá lần 2, băng tần B1 được giữ nguyên trong khi băng tần C2 và C3 mới được bổ sung.
- HSC kỳ vọng đợt đấu giá này sẽ diễn ra thành công và tốc độ thương mại hóa mạng 5G sẽ được đẩy nhanh. Trong câu chuyện này, HSC ưa thích cổ phiếu hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông CTR (Mua vào, giá mục tiêu 106.000đ).
Tổ chức lại sự kiện đấu giá băng tần mạng 5G
Ngày 17/1/2024, Bộ TT&TT ban hành Quyết định số 47/QĐ-BTTTT về phương án đấu giá khối băng tần 2,5-2,6 GHz và 3,7-3,9 GHz. Sự kiện đấu giá này đã nhanh chóng được tổ chức lại sau khi kế hoạch đấu giá lần 2 (đối với băng tần 2,5-2,6 GHz) bị hủy bỏ vào tháng 12/2023. Xin nhắc lại rằng chỉ có một băng tần được đưa ra đấu giá trong đợt 2 và điều này có thể làm bên trúng đấu giá trở thành bên đầu tiên nhận được giấy phép kinh doanh để triển khai thương mại hóa mạng 5G trước những nhà mạng khác và từ đó chiếm được lợi thế cạnh tranh không công bằng. Tuy nhiên, vấn đề trên hiện đã được giải quyết trong cuộc đấu giá lần này.
Theo đó, ba khối băng tần (bao gồm băng tần B1: 2,5-2,6 GHz, C2: 3,7-3,8 GHz và C3: 3,8-3,9 GHz với mỗi dải băng thông rộng 100MHz) sẽ được đưa ra đấu giá đồng thời. So với phương án đấu giá lần 2, băng tần B1 được giữ nguyên trong khi băng tần C2 và C3 mới được bổ sung. Cả 3 khối băng tần này đều tương thích với mạng 5G. Do dải băng thông tối đa mà một nhà mạng có thể được cấp bị giới hạn ở 180MHz, nên một nhà mạng chỉ có thể đấu giá tối đa cho một băng tần. Do đó, sẽ có tối đa 3 nhà mạng trúng đấu giá và sau đó sẽ được cấp giấy phép triển khai thương mại mạng 5G.
Điều kiện đấu giá thuận lợi
Mỗi giấy phép sẽ có hiệu lực trong 15 năm. Giá khởi điểm (cho thời hạn sử dụng 15 năm) là 3.983 tỷ đồng cho băng tần B1 (không thay đổi so với đợt trước) và 1.957 tỷ đồng/băng tần cho 2 băng tần còn lại (C2/C3). Giá khởi điểm của băng tần B1 cao gấp đôi so với băng tần C2/C3 do băng tần B1 cũng có thể sử dụng được cho mạng 4G, trong khi hai khối băng tần còn lại thì không thể.
Tiền đặt cọc cho băng tần B1 là 200 tỷ đồng (không đổi) và cho băng tần C2/C3 là 100 tỷ đồng. Điều kiện nhà mạng trúng đấu giá có thể nộp tiền làm nhiều đợt (50% trong 3 tháng, 25% trong 30 tháng và 25% trong 60 tháng) – cũng không thay đổi. Các điều khoản thanh toán linh hoạt này giúp các nhà mạng thu xếp tài chính dễ dàng hơn.
Thương mại hóa mạng 5G sẽ được thực hiện trong năm nay
Với những điều khoản thuận lợi hơn được đưa ra, HSC kỳ vọng cuộc đấu giá lần này sẽ diễn ra thành công, từ đó mở đường cho việc triển khai thương mại mạng 5G sau nhiều năm trì hoãn. CTR vẫn là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong ngành này, với khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu là 106.000đ (tiềm năng tăng giá 20%). CTR là công ty dẫn đầu lĩnh vực cơ sở hạ tầng viễn thông, được hỗ trợ bởi công ty mẹ Viettel (sở hữu 65,7% cổ phần CTR) là Tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam với thị phần trên 50%. Việc phát triển mạng 5G sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu xây dựng trạm BTS 5G với quy mô lớn, từ đó mảng cho thuê hạ tầng viễn thông của CTR (với tỷ suất lợi nhuận HĐKD cao ở mức khoảng 30% và tỷ suất EBITDA khoảng 60%) sẽ hưởng lợi trực tiếp.