Nhận định Vĩ mô tháng 12/2022: Tăng trưởng GDP, Sản xuất công nghiệp chậm lại, Xuất khẩu tăng nhẹ

Nguồn: IVS

Tăng trưởng GDP, Sản xuất công nghiệp chậm lại, Xuất khẩu tăng nhẹ

 

 

Tăng trưởng GDP quý IV 5.92% - Tăng trưởng GDP năm 2022 cán đích 8%

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5.92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4.7% và 5.17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng nhìn chung thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm giai đoạn 2011-2019. Trong đó, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3.85%; khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 4.22%; khu vực Dịch vụ tăng 8.12%. Có thể thấy, trong hai khu vực chiếm cơ cấu lớn nhất trong nền kinh tế là Công nghiệp xây dựng và Dịch vụ thì Dịch vụ là động lực tăng trưởng trong quý IV vừa qua và đã trở lại mức tăng trưởng ổn định của giai đoạn trước Covid, trong khi khu vực Công nghiệp xây dựng tiếp tục thể hiện mức tăng trưởng khiêm tốn và là mức tăng trưởng quý IV thấp nhất trong giai đoạn 2011 – 2022.

Sản xuất công nghiệp chậm lại, chỉ tăng 0.2% so với cùng kỳ năm trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 chỉ tăng 0.2% so với cùng kỳ năm trước, nối tiếp đà giảm tăng trưởng từ tháng 8 tới nay. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý IV/2022 tăng 3%, là mức tăng thấp nhất so với các quý của năm 2022 do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 7.8% so với năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh phản ánh nền kinh tế và đặc biệt hoạt động sản xuất đã ngấm đòn từ sự suy yếu tại các thị trường tiêu thụ lớn. Nhiều nhà máy lớn không có đơn hàng mới những tháng gần đây và không hoạt động hết công suất.

Xuất khẩu tăng nhẹ so với tháng trước, nối dài mức thặng dư thương mại

Giá trị xuất khẩu hàng hóa nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm bất chấp những lo ngại về thị trường đến. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 12 tăng nhẹ 2.2%mom, đạt 29.66 tỷ. Các nhóm gỗ, thủy sản, dệt may, da giày là những nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu nổi bật.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12 ước đạt 29.16 tỷ USD, tăng 3.1%mom tuy nhiên giảm 8.1%yoy.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 tiếp tục duy trì xuất siêu 0.5 tỷ USD, nâng tổng thặng dư thương mại cả năm 2022 lên 11.2 tỷ USD.

Thêm 2.58 tỷ USD FDI trong tháng 12

Tính tới ngày 20/12/2022, có 2.58 tỷUSD FDI đăng ký mới vào Việt Nam, nâng tổng số vốn đăng ký cả năm lên 27.72 tỷ USD. Lượng FDI cấp mới trong năm nay giảm nhẹ so với năm ngoái có thể đến từ lo ngại bất ổn kinh tế từ các NĐT nước ngoài cùng mối quan tâm đến biến động tỷ giá.

Số lượng các dự án cấp mới tiếp tục tăng tại những địa phương thu hút mạnh vốn đầu tư như Bắc Ninh, Bắc Giang.

Tiêu dùng nội địa duy trì đà tăng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 duy trì đà tăng so với tháng trước mới mức tăng 3.7% và tăng 17.1%yoy.

Lạm phát vẫn là vấn đề khá nóng

Bình quân 12 tháng năm 2022, CPI tăng 3.15% so với bình quân năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%.

CPI tháng 12/2022 giảm 0.01% so với tháng trước tuy nhiên so với cùng kì tháng 12/2021 thì tăng 4.55%, vẫn ở mức cao. Lạm phát cơ bản tháng 12/2022 tăng 0.33% so với tháng trước, tăng 4.99% so với cùng kỳ tháng 12/2021.

Có thể thấy lạm phát vẫn đang là vấn đề khá nóng khi cả lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản trong tháng 12/2022 so với cùng kì 2021 đều tăng trên 4.5%, trong đó điều đặc biệt là lạm phát cơ bản đã tăng mạnh và vượt lên trên cả lạm phát toàn phần. Lạm phát cơ bản so với các tháng liền trước trong năm 2022 duy trì ở mức khá cao là nguyên nhân của tình trạng này và dù trong một vài tháng gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt bớt nhưng vẫn chưa thực sự đáng kể.