Nhiệt điện Phả Lại (PPC): Nhu cầu yếu và đại tu nhà máy khiến KQKD Q4/2021 giảm mạnh

Nguồn: HSC

Nhu cầu yếu và đại tu nhà máy khiến KQKD Q4/2021 giảm mạnh

 

PPC

Tóm tắt

KQKD Q4/2021 giảm mạnh và thấp hơn nhiều dự báo. Doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt giảm 71,2% và 87,3% với sản lượng điện tiêu thụ chỉ đạt 396 triệu kWh (giảm 63,8%).

KQKD chịu ảnh hưởng tiêu cực khi tổ máy số 5 (công suất 300 MW, bằng 29% tổng công suất của PPC) dừng sửa chữa 75 ngày (HSC trước đó kỳ vọng 40 ngày) và nhu cầu yếu trước tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, cổ tức được chia đạt cao hơn kỳ vọng.

HSC duy trì khuyến nghị Giảm tỷ trọng và giá mục tiêu 20.000đ cũng như dự báo cho năm 2022-2023. Hiện P/E dự phóng 1 năm là 10,6 lần; thấp hơn 0,3 độ lệch chuẩn so với mức bình quân từ tháng 9/2019 là 12,2 lần.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2021

Lợi nhuận thuần Q4/2021 giảm 87,3% so với cùng kỳ xuống còn 64 tỷ đồng. Doanh thu giảm 71,2% so với cùng kỳ xuống 539 tỷ đồng do sản lượng điện chỉ đạt 396 triệu kWh (giảm 63,8% so với cùng kỳ) và giá bán điện cũng giảm nhẹ. So với ước tính của HSC cho Q4/2021 (đã được điều chỉnh vào cuối tháng 11), lợi nhuận thuần thực hiện thấp hơn 76,3% và doanh thu thuần thực hiện thấp hơn 85,2%.

Tính cả năm 2021, doanh thu đạt 3.885 tỷ đồng (giảm 51%) và lợi nhuận thuần đạt 287 tỷ đồng (giảm 71,6%). Với KQKD Q4/2021 kém khả quan, KQKD năm 2021 chỉ bằng 69,2% dự báo doanh thu và 43,8% dự báo lợi nhuận thuần của HSC.

Lợi nhuận HĐKD cốt lõi bị ảnh hưởng vì nhu cầu yếu và đại tu nhà máy

PPC ghi nhận lỗ HĐKD cốt lõi trong Q4/2021 (lỗ gộp) là 22 tỷ đồng so với lợi nhuận HĐKD cốt lõi 556 tỷ đồng trong Q4/2020. HSC đã dự báo lợi nhuận HĐKD cốt lõi đạt 527 tỷ đồng (giảm 4,4% so với cùng kỳ).

Với KQKD Q4/2021 rất kém, HĐKD cốt lõi cả năm 2021 lỗ 112 tỷ đồng, “sa sút” hơn nhiều so với mức lãi 1.009 tỷ đồng trong năm 2020 với sản lượng điện chỉ đạt 3,058 tỷ kWh (giảm 41,9%). HSC đã dự báo HĐKD cốt lõi cả năm lãi 437 tỷ đồng (giảm 56,7%).

Sản lượng điện tiêu thụ và lợi nhuận HĐKD cốt lõi thấp hơn nhiều dự báo vì (1) nhu cầu yếu và (2) thời gian đại tu sửa chữa tổ máy số 5 trong Q4/2021 dài hơn dự kiến với chi phí liên quan đội lên gấp đôi so với ước tính.

Nhu cầu Q4/2021 chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ (thấp hơn nhiều dự báo của HSC là tăng 8%). Với nhu cầu kém, PPC đã phải vận hành ở công suất thấp, từ đó làm mức tiêu hao nhiên liệu tăng (mức tiêu hao nhiêu liệu bình quân để sản xuất một kWh điện).

Về đợt đại tu sửa chữa định kỳ, HSC đã kỳ vọng sẽ diễn ra trong 40 này nhưng thực tế tổ máy số 5 đã phải dừng sửa chữa 75 ngày. Vì vậy, chi phí đã tăng gấp đôi so với ước tính của chúng tôi (khoảng 480 tỷ đồng so với ước tính 250 tỷ đồng).

Thoát lỗ nhờ cổ tức được chia

KQKD năm 2021 thoát lỗ nhờ lợi nhuận tài chính (không thuộc HĐKD cốt lõi) là 476 tỷ đồng (tăng 70%); trong đó gồm 382 tỷ đồng cổ tức được chia (tăng 88,6%) từ khoản đầu tư vào 26% cổ phần CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND – UPCoM, Không khuyến nghị) và 16,4% cổ phần CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP - UPCoM, Không khuyến nghị); 70 tỷ đồng lãi tiền gửi (giảm 14,1%) và 24 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng nhờ danh mục đầu tư tăng giá so với năm 2020. Trong dự báo cho năm 2021, HSC đã đưa vào 451 tỷ đồng lợi nhuận tài chính.

Trong Q4/2021, PPC ghi nhận 95 tỷ đồng lợi nhuận tài chính (dự báo của HSC là 86 tỷ đồng), bao gồm 82 tỷ đồng cổ tức được chia từ khoản đầu tư vào 16,4% cổ phần CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP - UPCoM, Không khuyến nghị) và 13 tỷ đồng lãi tiền gửi (giảm 50,9% so với cùng kỳ).

Duy trì dự báo năm 2022-2023

Mặc dù KQKD Q4/2021 rất kém và thấp hơn nhiều dự báo, HSC sẽ vẫn giữ nguyên dự báo cho năm 2022-2023 trong khi xem xét kỹ lại KQKD và triển vọng của PPC. Lợi nhuận thuần dự báo cho năm 2022 là 674 tỷ đồng (tăng trưởng 34,5%) và năm 2023 là 687 tỷ đồng (tăng trưởng 2%).

Giữ nguyên khuyến nghị, giá mục tiêu

HSC duy trì khuyến nghị Giảm tỷ trọng và giá mục tiêu dựa trên mô hình DDM là 20.000đ; tương đương rủi ro giảm giá 10,3% và P/E dự phóng năm 2022 là 9,5 lần. Hiện P/E dự phóng năm 2022 là 10,6 lần; thấp hơn 0,3 độ lệch chuẩn so với bình quân P/E trượt dự phóng 1 năm trong quá khứ là 12,2 lần (bình quân từ tháng 9/2019).