NHTMCP Lộc Phát Việt Nam (LPB): LPB đề xuất kế hoạch mua 5% cổ phần FPT

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

LPB đề xuất kế hoạch mua 5% cổ phần FPT

 

 

  • LPB sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày 15/11/2024 để xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch mua 5% cổ phần FPT, với giá trị khoảng 9,8 nghìn tỷ đồng dựa trên thị giá hiện tại.
  • LPB sẽ cần NHNN thông qua do kế hoạch đầu tư vào FPT là khoản đầu tư ngoài HĐKD cốt lõi. Ngoài ra, dựa vào nền vốn của LPB, quy mô khoản đầu tư này dự kiến sẽ làm giảm đáng kể hệ số CAR của Ngân hàng.
  • HSC duy trì khuyến nghị Bán ra với giá mục tiêu là 18.000đ. LPB đang giao dịch với P/B dự phóng năm 2024 là 1,92 lần, cao hơn 65% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân.

Sự kiện: Công bố tài liệu ĐHCĐ bất thường

Ngày 19/9/2024, LPB đã công bố nghị quyết ĐHCĐ bất thường sắp tới, tổ chức vào ngày 22/9/2024 (được lùi sang ngày 15/11/2024). Trong đó, Ngân hàng dự kiến xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch mua 5% cổ phần FPT (Mua vào, giá mục tiêu 147.000đ).

Đầu tư ngoài ngành cần được cơ quan chức năng thông qua

Luật Các tổ chức tín dụng quy định về hoạt động góp vốn & mua cổ phần của NHTM ở Điều 111 và 137 (Chi tiết mời xem trang 2). Do FPT hoạt động trong lĩnh vực không nằm trong Điều 111, khoản 4a, LPB sẽ cần được NHNN chấp thuận bằng văn bản để tiến hành mua cổ phần.

Dựa trên giá đóng cửa của cổ phiếu FPT vào ngày 19/9/2024, số lượng cổ phần được Ngân hàng để xuất mua vào có giá trị khoảng 9,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 33,5% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của VPB tại thời điểm cuối Q2/2024 (so với mức trần 40% được quy định ở Điều 137).

Hệ số CAR giảm

Khoản đầu tư mới này có thể làm giảm đáng kể hệ số CAR và tỷ lệ vốn cấp 1 của LPB. Theo ước tính nếu Ngân hàng mua 5% cổ phần của FPT tại thị giá hiện tại, hệ số CAR và tỷ lệ vốn cấp 1 của LPB có thể giảm 190 điểm cơ bản. Mặc dù hệ số CAR sau thương vụ này vẫn trên mức tối thiểu là 8% nhưng điều này sẽ đi ngược với mục tiêu của NHNN là đẩy mạnh nền tảng vốn của toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt là khi khoản đầu tư này là khoản đầu tư ngoài HĐKD cốt lõi. Ngoài ra, hạn mức tăng trưởng tín dụng của LPB có thể sẽ bị hạn chế trong tương lai do hạn chế về vốn sau thương vụ này.

Điều 111 quy định về các khoản đầu tư phù hợp:

Khoản 1: Ngân hàng thương mại chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần.

Khoản 4: Ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:

a) Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng;

b) Lĩnh vực khác không quy định tại điểm a khoản này sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

Điều 137 quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần:

Khoản 1: Một ngân hàng thương mại và công ty con, công ty liên kết, không được góp vốn, mua cổ phần lớn hơn 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp hoạt động trong lĩnh vực được quy định trong Khoản 4 Điều 111.

Khoản 2: Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, kể cả công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.

Duy trì khuyến nghị Bán ra và giá mục tiêu

HSC duy trì khuyến nghị Bán ra với giá mục tiêu 18.000đ. LPB đang giao dịch với P/B dự phóng năm 2024 là 1,92 lần, cao hơn 65% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân. Theo chúng tôi kế hoạch mua cổ phần này không phải quyết định phân bổ vốn tối ưu.