Nhựa Bình Minh (BMP): Q4/2021 hồi phục mạnh sau giai đoạn giãn cách

Nguồn: HSC

Q4/2021: Hồi phục mạnh sau giai đoạn giãn cách

 

BMP

Tóm tắt

HSC ước tính BMP sẽ có lãi trở lại trong Q4/2021 với lợi nhuận thuần đạt 115 tỷ đồng (tăng 4%) so với lỗ 26 tỷ đồng trong Q3/2021. Lợi nhuận thuần cả năm 2021 ước tính là 215 tỷ đồng (giảm 58,8%), vượt 7% so với dự báo trước đây của chúng tôi.

Với việc BMP tăng giá bán bình quân hai đợt trong Q4/2021 cùng với nhu cầu ống nhựa hồi phục sau giai đoạn phong tỏa sẽ là những động lực tăng trưởng chính.

HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng và giá mục tiêu. BMP hiện đang giao dịch với P/E dự phóng 2022 là 10,9 lần (so với mức bình quân trong quá khứ là 11,6 lần). Lợi suất cổ tức trong năm 2022 được dự báo sẽ trở lại mức 9% so với 4,3% trong năm 2021.

Sự kiện: Đánh giá KQKD Q4/2021

Nhu cầu ống nhựa đã hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn phong tỏa dù nhu cầu tiêu thụ hiện vẫn thấp hơn 10-15% so với mức trước dịch COVID-19. Sau hai đợt tăng giá bán trong tháng 10/2021 và tháng 11/2021, giá bán bình quân tăng 23% trong Q4/2021 đã hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận hồi phục mạnh sau khi chạm đáy trong Q3/2021.

Sản lượng tiêu thụ vẫn thấp hơn so với trước dịch COVID-19

Trong Q4/2021, HSC ước tính BMP tiêu thụ khoảng 26.000 tấn ống nhựa, giảm 14% so với cùng kỳ nhưng tăng 140% so với quý trước sau Q3/2021 phải thực hiện các biện pháp giãn cách.

Như đã đề cập trong Báo cáo cập nhật ngày 24/11/2021, sau hai đợt tăng giá vào 25/10/2021 và 8/11/2021, giá bán bình quân ống nhựa PVC của BMP đã tăng tổng cộng 23%. Cùng với nhu cầu ống nhựa hồi phục đáng kể, HSC ước tính doanh thu Q4/2021 của BMP đạt 1.429 tỷ đồng (tăng 9,3% so với cùng kỳ và 170% so với quý trước).

Theo số liệu sơ bộ năm 2021, sản lượng tiêu thụ là 92.678 tấn (giảm 16,4%) và doanh thu là 4.570 tỷ đồng (giảm 2,8%). Doanh thu thấp hơn 4,3% so với dự báo của chúng tôi do sản lượng tiêu thụ thấp hơn 3,8% so với dự báo.

Lợi nhuận thuần có thể sẽ vượt kỳ vọng

HSC hiện dự báo BMP sẽ có lãi trở lại trong Q4/2021 với lợi nhuận thuần đạt 115 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ), hồi phục mạnh sau khi lỗ 26 tỷ đồng trong Q3/2021. Nguyên nhân chủ yếu giúp lợi nhuận thuần hồi phục mạnh bao gồm.

  • Nhu cầu gia tăng sau giai đoạn giãn cách (mặc dù vẫn thấp hơn so với mức trước dịch COVID-19). HSC kỳ vọng việc Chính phủ khởi động gói hỗ trợ nền kinh tế trong những tháng tới và sẽ tác động tích cực tới nhu cầu vật liệu xây dựng như ống nhựa.
  • Giá bán bình quân tăng tổng cộng 23% đã hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận hồi phục.
  • Công ty đã hoạt động tối đa công suất trở lại sau khi hiệu suất chỉ là 25- 30% trong Q3/2021 (phải thực hiện cách biện pháp giãn cách). Theo đó, chi phí sản xuất giảm nhờ chi phí khấu hao/sản phẩm giảm.

Tỷ suất lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng nhờ giá đầu vào giảm

Sau khi đạt đỉnh 1.820 USD/tấn trong Q3/2021, giá hạt nhựa PVC hiện đã giảm xuống 1.380 USD/tấn (tương đương mức giảm 24,2% từ đỉnh). Trong giai đoạn này, BMP có thể đã dự trữ khoảng 1 tháng hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mặt khác, do nhu cầu hồi phục, giá bán bình quân trong năm 2022 được dự báo sẽ ở mức cao dù giá nguyên liệu đầu vào đã giảm vừa qua. Nhờ đó, HSC dự báo tỷ suất lợi nhuận năm 2022 sẽ hồi phục mạnh với một số nguyên nhân như sau:

  • HSC giả định sản lượng tiêu thụ năm 2022 sẽ tăng trưởng khoảng 18,5% so với mức nền thấp trong năm 2021 và nhờ tác động tích cực từ gói kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
  • Hiệu suất hoạt động của các nhà máy tăng và giá nguyên vật liệu đầu vào giảm sẽ giúp chi phí sản xuất giảm.
  • Giá bán bình quân tăng như đã đề cập.

HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu và dự báo

Trước khi công bố BCTC hợp nhất năm 2021 có thể sẽ ảnh hưởng tới dự báo năm 2022 của chúng tôi, HSC duy trì dự báo năm 2022 với doanh thu thuần đạt 5.915 tỷ đồng (tăng trưởng 29,4%) và lợi nhuận thuần là 445 tỷ đồng (tăng trưởng 107%) nhờ tỷ suất lợi nhuận tăng do giá bán bình quân (tăng 10%) và sản lượng tiêu thụ (tăng trưởng 18,5%) tăng.

Ngày 14/1/2022 là ngày giao dịch không hưởng quyền đối với đợt chi trả cổ tức đầu tiên của năm 2021 là 1.250đ/cp. HSC dự báo BMP sẽ chi trả tổng cộng 2.500đ/cp từ lợi nhuận năm 2021 (tương đương với lợi suất cổ tức là 4,3%). Tỷ lệ lợi nhuận chi trả cổ tức được dự báo sẽ đạt gần 100%.

EPS dự phóng 2022 được dự báo sẽ đạt 5.440đ, tương đương P/E dự phóng 2022 là 10,9 lần so với mức bình quân trong quá khứ là 11,6 lần (tính từ năm 2017). Trong năm 2022, HSC cũng dự báo BMP sẽ chi trả 5.400đ/cp cổ tức, tương đương lợi suất cổ tức là 9,2% và tỷ lệ lợi nhuận chi trả cổ tức là 99,3%.

HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng với giá mục tiêu là 70.500đ (tiềm năng tăng giá 19,3%). BMP hiện đang giao dịch với định giá hợp lý với lợi nhuận tăng trưởng mạnh và lợi suất cổ tức dự kiến sẽ cao trong năm 2022.