Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM): Giá bán urê tăng mạnh thúc đẩy KQKD quý 1/2022

Nguồn: VCSC

Giá bán urê tăng mạnh thúc đẩy KQKD quý 1/2022

 

DCM

 

Tóm tắt

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên theo hình thức trực tuyến của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) vào ngày 26/04. Đại hội đã thảo luận về kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2022, KQKD quý 1/2022, triển vọng giá urê và xuất khẩu, nhà máy NPK mới và tiến độ thoái vốn Nhà nước.
  • Ban lãnh đạo kỳ vọng giá urê sẽ tiếp tục ở mức cao trong giai đoạn 2022-2023 và công ty sẽ tận dụng nhu cầu quốc tế tăng nếu nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng bởi giá urê cao. Ngoài ra, DCM đặt mục tiêu nâng hiệu suất sử dụng của nhà máy urê lên 115% -117% vào năm 2022, thâm nhập hoàn toàn vào phân khúc NPK và đa dạng hóa sản phẩm bao gồm phân bón hữu cơ cho triển vọng tăng trưởng dài hạn.
  • Các cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2022 thận trọng cho doanh thu 9,1 nghìn tỷ đồng - 8,2% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS là 513 tỷ đồng (-73,2% YoY), theo quan điểm của chúng tôi là thận trọng. Ban lãnh đạo dự kiến sẽ điều chỉnh kế hoạch này vào quý 3/2022.
  • DCM cũng đã công bố KQKD quý 1/2022 sơ bộ với doanh thu đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (+117,6% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS là 1,5 nghìn tỷ đồng (+10 lần YoY), chủ yếu do giá urê tăng 121,2% YoY. LNST sau lợi ích CĐTS sơ bộ quý 1/2022 đã hoàn thành 72,1% dự báo cả năm và vượt kỳ vọng của chúng tôi.
  • Cổ đông đã thông qua mức cổ tức tiền mặt năm 2021 là 1.800 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 5,2%), cao hơn dự báo hiện tại của chúng tôi là 50%. Ngoài ra, các cổ đông đã thông qua mức cổ tức tiền mặt năm 2022 là 800 đồng/cổ phiếu so với dự báo hiện tại của chúng tôi là 1.200 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 3,4%). Chúng tôi lưu ý rằng DCM thường tăng cổ tức bằng tiền mặt dựa trên kết quả lợi nhuận thực tế đạt được vào cuối năm.

Cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2022 với doanh thu đạt 9,1 nghìn tỷ đồng (-8,2% YoY) và LNST đạt 513 tỷ đồng (-73,2% YoY). Kế hoạch LNST năm 2022 của DCM chỉ tương đương 24,4% dự báo năm 2022 của chúng tôi, chúng tôi tin rằng do quan điểm thận trọng của công ty trong việc đặt ra các mục tiêu. Chúng tôi lưu ý rằng LNST thực tế năm 2020 và 2021 lần lượt cao hơn 12,8 lần và 9,7 lần so với mục tiêu mà công ty đặt ra vào đầu mỗi năm tương ứng. Khi giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến kế hoạch thận trọng này, ban lãnh đạo của DCM đã làm rõ rằng kế hoạch hiện tại được đưa ra từ tháng 9 đến tháng 11/2021 với các dự báo về giá urê và giá dầu tại thời điểm đó. DCM sẽ sửa đổi kế hoạch của công ty vào quý 3/2022 với các dự báo giá cập nhật hơn; kế hoạch sau sửa đổi này sẽ là tiêu chuẩn để đánh giá KQKD của ban lãnh đạo.

KQKD quý 1/2022 tích cực vượt kỳ vọng của chúng tôi. Doanh thu quý 1/2022 của DCM tăng 117,6% YoY trong khi LNST sau lợi ích CĐTS cao hơn 10 lần so với quý 1/2021. Theo ban lãnh đạo, giá urê trung bình quý 1/2022 đạt 15.651 đồng/kg (+121,2% YoY) – thấp hơn khoảng 14%- 17% so với giá urê quốc tế trung bình trong cùng giai đoạn. Ban lãnh đạo giải thích rằng DCM đã bán urê trên thị trường trong nước với giá chiết khấu so với giá quốc tế vì điều này giúp khuyến khích nông dân mua urê do giá quốc tế khá cao. Chúng tôi ước tính sản lượng bán urê của DCM đạt 241.000 tấn (+11,0% YoY) trong quý 1/2022, điều này được thúc đẩy bởi sản lượng xuất khẩu urê đạt 151.000 tấn. So với quý 4/2021, LNST sau lợi ích CĐTS tăng 38,1% trong quý 1/2022 khi giá và sản lượng bán urê lần lượt tăng 14,3% và 34,2%. Trong quý 2/2022, DCM đặt mục tiêu doanh thu đạt 4,8 nghìn tỷ đồng (+105,1% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 711 tỷ đồng (+2,5 lần YoY).

Ban lãnh đạo kỳ vọng giá urê sẽ hạ nhiệt trong năm 2022; tuy nhiên, mức giá trung bình trong giai đoạn 2022-2023 có thể vẫn cao hơn đáng kể so với trước đây. Theo ban lãnh đạo, giá urê quốc tế có thời điểm đạt 1.300 USD/tấn trong quý 1/2022 trước khi giảm xuống mức hiện tại là khoảng 900 USD/tấn. Công ty sử dụng giá từ 4 thị trường - Trung Đông, Châu Á, Mỹ và Châu Âu - để thiết lập giá bán của công ty. Đáng chú ý, giá urê tại Mỹ gần đây đã giảm còn 600 USD/tấn. DCM kỳ vọng giá urê sẽ giảm trong các quý tới; tuy nhiên, công ty tin rằng mức giá trung bình trong giai đoạn 2022-2023 có thể vẫn cao hơn đáng kể so với trước đây.

DCM đặt mục tiêu nâng hiệu suất hoạt động của nhà máy urê lên 115%-117% vào cuối năm 2022. DCM đang hoàn thiện dự án nâng cấp nhà máy CO2 (vốn XDCB chỉ 4 triệu USD), điều này sẽ cho phép công ty thu thêm CO2 cho quá trình sản xuất urê. Sau khi hoàn thành dự án nâng cấp này, DCM có thể nâng hiệu suất hoạt động từ 112% lên 115%-117% vào cuối năm 2022, giúp công ty nắm bắt được nhu cầu xuất khẩu trong tương lai - đặc biệt từ thị trường Campuchia.

Nhà máy NPK của DCM chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng 3/2022. Sau khi chạy thử nghiệm, nhà máy NPK của DCM chính thức đi vào hoạt động từ ngày 31/3. Năm 2021, DCM đã bán ra khoảng 40.000 tấn NPK trong tổng số khoảng 50.000 tấn được sản xuất trong quá trình chạy thử nghiệm. Hiện công ty tự tin rằng nhà máy NPK có thể hoạt động với công suất 100%. Tuy nhiên, DCM chỉ đặt kế hoạch 80.000 tấn NPK (tương ứng hiệu suất hoạt động 27%) vì 1) DCM vẫn đang thâm nhập vào phân khúc NPK, vốn có tính cạnh tranh và phức tạp hơn so với phân khúc urê, và 2) giá đầu vào là urê, DAP và kali quá cao đối với sản xuất NPK - kali đặc biệt khó nhập khẩu. DCM kỳ vọng giá của các nguyên liệu đầu vào này sẽ bắt đầu giảm từ quý 3/2022.

DCM được khấu trừ thuế VAT đầu vào đối với xuất khẩu urê. Ngày 26/4/2022, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ áp thuế suất 5% đối với một số loại phân bón xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước và giúp hạ giá phân bón. Theo Tổng giám đốc của DCM, sản phẩm urê xuất khẩu của DCM đã được áp dụng thuế xuất khẩu 5% kể từ những năm trước. Đáng chú ý, DCM được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (khoảng 10% giá thành sản xuất) đối với sản lượng urê xuất khẩu của công ty, vẫn cao hơn mức thuế xuất khẩu 5% đối với urê.

Tiến độ thoái vốn của Nhà nước. Trong khi không có diễn biến quan trọng nào liên quan đến vấn đề này, DCM kỳ vọng Chính phủ có thể đẩy nhanh việc thoái vốn tại công ty từ 75,6% còn 51% vào cuối năm 2022/đầu năm 2023.

DCM đang tìm cách đa dạng hóa sản phẩm của công ty bao gồm phân bón sinh học hữu cơ. Ngoài việc phát triển các sản phẩm urê và NPK chất lượng cao hơn, DCM đang hướng tới việc đa dạng hóa sang các sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường hơn. Năm 2021, DCM đã thử nghiệm và sản xuất 7.000 tấn sản phẩm phân bón hữu cơ mang thương hiệu OM Cà Mau. Công ty đặt mục tiêu sản xuất khoảng 22.000 tấn phân bón hữu cơ vào năm 2022 và đặt mục tiêu 240.000 tấn vào năm 2024.