Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM): Tập trung vào chiến lược phát triển dài hạn

Nguồn: VCSC

Tập trung vào chiến lược phát triển dài hạn

 

DPM

 

  • ĐHCĐ thường niên của Tổng CT Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) đã diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 23/06/2022. Cuộc họp đã thảo luận về triển vọng giá bán và sản lượng urê cho năm 2022, tính toán lại giá vận chuyển khí cho giai đoạn 2014-2018, chiến lược phát triển dài hạn của công ty và nguồn cung khí đầu vào.
  • Trong khi đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 của DPM là tích cực do gần như hoàn thành kế hoạch cả năm của công ty, đại diện PVN lo ngại về triển vọng của DPM trong nửa cuối năm 2022 do giá urê đang giảm.
  • DPM đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 đạt 17,2 nghìn tỷ đồng (+34,8% YoY) và LNST đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (+9,5% YoY). Các kế hoạch năm 2022 này dựa trên giá urê cập nhật kể từ quý 1/2022 và cao hơn đáng kể so với kế hoạch năm 2022 được công bố vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng kế hoạch này vẫn khá thận trọng.
  • Cổ đông đã thông qua việc tăng cổ tức tiền mặt năm 2021 và 2022 lên 5.000 đồng lần lượt từ 3.500 đồng và 1.500 đồng/cổ phiếu, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.
  • Cổ đông không thông qua việc tính toán lại giá vận chuyển khí đầu vào cho giai đoạn 2014-2018. Do đó, DPM sẽ không phải trả thêm chi phí vận chuyển khí 18,09 triệu USD (420 tỷ đồng) cho Tổng CT Khí Việt Nam (HOSE: GAS).
  • DPM đang đặt mục tiêu chiến lược tăng trưởng trong dài hạn là phát triển sang lĩnh vực hóa chất và hóa dầu.

Cổ đông đã thông qua kế hoạch điều chỉnh năm 2022 với doanh thu 17,2 nghìn tỷ đồng (+34,8% YoY) và LNST đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (+9,5% YoY). Kế hoạch điều chỉnh này cao hơn đáng kể so với kế hoạch sơ bộ năm 2022 được công bố vào tháng 12/2021 - đặc biệt là với kế hoạch LNST tăng gấp 4 lần con số trước đó. Ngoài ra, mục tiêu LNST năm 2022 điều chỉnh tương đương với khoảng 90% dự báo hiện tại của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng các kế hoạch cao hơn trong năm 2022 dựa trên các giả định về giá urê được cập nhật mới hơn; Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, những kế hoạch này vẫn còn khá thận trọng.

Giá urê bình quân 6 tháng đầu năm 2022 và chi phí khí đốt cao hơn dự kiến; sản lượng tiêu thụ urê thấp hơn dự báo của chúng tôi. Giá urê và NPK trung bình trong 6 tháng đầu năm 2022 là khoảng 16.600 đồng/kg (720 USD/tấn) và 15.300 đồng/kg (664 USD/tấn), tăng lần lượt 114% YoY và 74% YoY. Giá khí đầu vào bình quân trong 6 tháng đầu năm 2022 là 10 USD/MMBTU (+54,2% YoY). Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ urê và NPK trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 400.000 tấn (+7,5% YoY) - trong đó 1/3 là từ sản lượng xuất khẩu - và 85.000 tấn (-4,4% YoY), hoàn thành lần lượt 48% và 49% dự báo tương ứng của chúng tôi trong năm 2022. Sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2022 giảm nhẹ so với kỳ vọng của chúng tôi do giá cao làm ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước. Nhìn chung, chúng tôi cho rằng dự báo LNST 2022 sẽ thay đổi không đáng kể cho dự báo LNST năm 2022 là 3,8 nghìn tỷ đồng (+21,4% YoY) do chúng tôi kỳ vọng giá urê cao hơn dự kiến sẽ bù đắp chi phí đầu vào cao hơn và sản lượng thấp hơn dự kiến.

Cổ đông đã không thông qua việc tính toán lại biểu giá vận chuyển khí đầu vào cho giai đoạn 2014-2018. DPM trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT tính toán lại và thanh toán giá cước vận chuyển khí đầu vào giai đoạn 2014-2018. Trong hợp đồng khí đầu vào giữa PVN, GAS và DPM, các bên đều đồng ý rằng DPM có thể sử dụng khí đầu vào từ mỏ khí Bạch Hổ - Rồng - Đồi Mồi với giá vận chuyển khí thấp (từ 0,9 USD đến 1 USD/MMBTU trong giai 2014- 2018). Tuy nhiên, GAS đã có văn bản gửi PVN cho biết lượng khí từ mỏ Bạch Hổ - Rồng - Đồi Mồi không đủ cho nhu cầu của DPM trong giai đoạn 2014-2018 và GAS phải thu gom khí từ các mỏ khí đắt hơn (với biểu giá 3 USD/MMBTU) để cung cấp cho DPM. Chủ sở hữu các mỏ khí này - Vietsovpetro - cũng khẳng định lượng khí từ Bạch Hổ - Rồng - Đồi Mồi không đủ cung cấp cho DPM. GAS ước tính chi phí vận chuyển khí bổ sung là 18,09 triệu USD (chênh lệch giữa biểu giá tạm thời là khoảng 1 USD/MMBTU và biểu giá thực tế là 3 USD/MMBTU nhân với sản lượng từ mỏ khí đắt hơn) và yêu cầu DPM thanh toán. Do các cổ đông không thông qua đề xuất này, DPM sẽ không thanh toán thêm chi phí vận chuyển khí trị giá 18,09 triệu USD (420 tỷ đồng) cho GAS. Tuy nhiên, diễn biến này có thể tạo ra thách thức đối với tiến độ đàm phán cung cấp khí đầu vào dài hạn giữa 2 công ty này.

Không có thông tin mới về cơ chế biểu giá cung cấp/vận chuyển khí đầu vào vào năm 2023. Mặc dù có nhiều câu hỏi liên quan đến biểu giá vận chuyển và cung cấp khí dài hạn, DPM vẫn chưa đưa ra triển vọng rõ ràng về nguồn cung khí đầu vào cho năm 2023 và các năm sai. DPM chia sẻ rằng nguồn khí đầu vào và cơ chế biểu giá vận chuyển hiện nay vẫn tương tự như trước đây - từ 3 mỏ khí (mỏ giá rẻ Bạch Hổ - Rồng - Đồi Mồi, các mỏ khí khác đắt hơn từ bể Cửu Long và các mỏ khí ở bể Nam Côn Sơn). Trong dự báo của chúng tôi, chúng tôi giả định giá vận tải của DPM sẽ tăng 16% YoY vào năm 2023 và 10% YoY vào năm 2024 khi chúng tôi cho rằng DPM sẽ phải sử dụng nhiều khí hơn từ các mỏ khí đắt tiền ở bể Cửu Long.

Chiến lược phát triển dài hạn chuyển sang lĩnh vực hóa chất và hóa dầu. Cổ đông đã thông qua chiến lược phát triển đến năm 2035 và định hướng đến năm 2045. Đáng chú ý, DPM đã thuê đơn vị tư vấn để vạch ra kế hoạch dài hạn. Trong giai đoạn 2022-2025, DPM đặt mục tiêu duy trì 35% thị phần trên thị trường urê, từng bước nâng công suất nhà máy NPK lên 100% và mở rộng công suất sản xuất NPK thông qua hình thức liên doanh và/hoặc M&A. Ngoài ra, công ty đặt mục tiêu nghiên cứu phát triển các sản phẩm phân bón hữu cơ, thân thiện với môi trường. Trong giai đoạn 2026-2030, DPM đặt mục tiêu tăng thị phần trong phân khúc NPK và tham gia vào phân khúc phân hữu cơ. Công ty cũng đặt mục tiêu tham gia vào mảng hóa dầu bằng cách phát triển một tổ hợp hóa dầu tích hợp. Trong giai đoạn 2031-2035, ngoài việc gia tăng thị phần trong phân khúc NPK và phân bón hữu cơ, DPM đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất hóa dầu và hóa chất có uy tín. Về định hướng của công ty đến năm 2045, DPM đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất phân bón, hóa chất và hóa dầu hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á. Công ty ước tính tổng vốn đầu tư là 12,6 nghìn tỷ đồng cho các dự án hóa chất và hóa dầu trong năm 2023-2030 (xem bảng dưới đây). Trong suốt kế hoạch dài hạn này, tổ chức tư vấn đã khuyến nghị DPM tận dụng mạng lưới phân phối của công ty (4 công ty con phân phối) và tăng cường sự hiện diện, ảnh hưởng và tương tác với các đại lý và nông dân để nâng cao hiệu quả cũng như lợi nhuận.