CTCP Sợi Thế Kỷ (STK): Bối cảnh cạnh tranh thay đổi có lợi cho STK

Nguồn: VCSC

Bối cảnh cạnh tranh thay đổi có lợi cho STK

 

STK

 

  • Chúng tôi nâng khuyến nghị cho CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) từ KHẢ QUAN lên MUA khi công ty có khả năng sẽ hưởng lợi từ (1) mức thuế chống bán phá giá gần đây của Việt Nam đối với sợi filament polyester nhập khẩu (PFY) và (2) Trung Quốc không còn được tham gia Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU - 1 chương trình cho các nước đang phát triển.
  • Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 33% nhờ 2 lý do chính. Đầu tiên, chúng tôi loại bỏ mức chiết khấu định giá 20% mà chúng tôi đã áp dụng kể từ tháng 2/2021, vốn nhằm phản ánh rủi ro đến từ việc các công ty Trung Quốc bán phá giá sợi nguyên sinh cũng như tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19. Với thuế chống bán phá giá nêu trên và tỷ lệ tiếp cận thấp hơn của STK trong mảng sợi nguyên sinh hiện tại (chiếm 33% lợi nhuận gộp năm 2021 so với mức 53% vào năm 2019), chúng tôi tin rằng mức chiết khấu định giá này không còn giá trị. Thứ hai, chúng tôi nâng dự báo đối với khoản tiền thu được từ đợt phát hành riêng lẻ tiềm năng sắp tới của STK ( tương ứng 20% số cổ phiếu đang lưu hành) vì giá cổ phiếu của công ty đã tăng 30% trong 3 tháng qua.
  • Chúng tôi giữ nguyên dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2021-2024 do chúng tôi tăng dự báo chênh lệch giá (giá bán - giá hạt PET đầu vào) trong bối cảnh môi trường cạnh tranh thuận lợi hơn bù đắp cho chi phí sản xuất không bao gồm chi phí hạt PET liên quan đến mảng sợi cao cấp cao hơn dự kiến.
  • Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 23% trong giai đoạn 2021-2024, được hỗ trợ bởi (1) sản lượng bán phục hồi vào năm 2022 khi tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 hạ nhiệt, (2) giai đoạn đầu tiên của dự án Unitex sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023 (dự kiến sẽ mở rộng công suất sản xuất thêm 57%), và (3) cơ cấu doanh số tiếp tục chuyển sang sợi tái chế có biên lợi nhuận cao.
  • Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Các đợt bùng phát dịch COVID-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến nhu cầu hàng may mặc và làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng may mặc; những đối thủ mới tiềm năng trong ngành sợi tái chế; mất đi đối tác là công ty nhượng quyền sợi tái chế và cũng là nhà cung cấp hạt nhựa tái chế đầu vào của STK là Unifi.

Theo quan điểm của chúng tôi, các mức thuế mới đối với PFY nhập khẩu sẽ thúc đẩy tiêu thụ sợi trong nước. Vào tháng 10/2021, Bộ Công Thương (MoIT) đã hoàn tất công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với PFY nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia, với mức dao động từ 17,5% -54,9%. Theo International Trade Center, các nước này đã xuất khẩu 314.000 tấn PFY sang Việt Nam vào năm 2020 - tương đương với 90% lượng nhập khẩu của Việt Nam và chiếm khoảng 60% lượng tiêu thụ của Việt Nam. Do đó, thuế chống bán phá giá là yếu tố hỗ trợ cho các nhà sản xuất sợi trong nước - đặc biệt là phân khúc sợi nguyên sinh khi phân khúc này theo truyền thống là dễ bị tổn thương nhất bởi các hoạt động bán phá giá của các nhà sản xuất nước ngoài. Do đó, chúng tôi dự báo chênh lệch giá sợi nguyên sinh và sợi tái chế của STK sẽ lần lượt tăng 16% và 5% YoY vào năm 2022. Chúng tôi cũng nâng chênh lệch giá chung giai đoạn 2022 - 2024 của STK lên 2%.

Việc Trung Quốc không còn được ưu đãi thuế suất GSP tại EU sẽ có lợi cho ngành dệt may Việt Nam - và tương ứng là các nhà sản xuất sợi trong nước như STK. Vào đầu tháng 11/2021, EU, Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein thông báo họ sẽ rút lại ưu đãi GSP đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc từ ngày 01/12/2021. Do đó, chúng tôi ước tính mức thuế trung bình đối với hàng may mặc của Trung Quốc sang EU sẽ tăng từ khoảng 9,5% lên 12%. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam hiện đang chịu mức lãi suất bình quân là 9%, tỷ lệ này sẽ giảm dần về 0 vào năm 2027 theo quy định của FTAViệt Nam - EU. Chúng tôi tin rằng diễn biến này sẽ thúc đẩy Việt Nam tiếp tục giành được thị phần xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu, điều này sẽ gián tiếp mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất sợi Việt Nam như STK.