Sợi Thế Kỷ (STK): Q4/2021 lợi nhuận sụt giảm do nhu cầu thấp

Nguồn: HSC

Q4/2021: Lợi nhuận sụt giảm do nhu cầu thấp

 

STK

Tóm tắt

Lợi nhuận thuần và doanh thu thuần Q4/2021 của STK giảm lần lượt 17,1% và 13,1%. Kết quả này thấp hơn so với dự báo của HSC do tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng tới doanh thu sợi tái chế.

Theo đó, lợi nhuận thuần và doanh thu thuần sơ bộ năm 2021 lần lượt đạt 260 tỷ đồng (tăng trưởng 80,6%) và 2.040 tỷ đồng (tăng trưởng 15,6%), thấp hơn lần lượt 4,8% và 4,0% so với dự báo của chúng tôi.

HSC đang chờ Công ty công bố BCTC để đánh giá toàn diện hơn. Hiện tại chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu là 68.500đ (tiềm năng tăng giá 29,2%).

Sự kiện: Công bố KQKD sơ bộ Q4/2021

Lợi nhuận thuần Q4/2021 của STK đã chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Mặc dù các quy định cách ly đã dần được gỡ bỏ kể từ cuối tháng 10/2021, nhu cầu trong nước phục hồi chậm và ảnh hưởng tới mảng sợi tái chế. Đáng chú ý, doanh thu mảng này chỉ đóng góp 37% tổng doanh thu trong Q4/2021 so với 58% trong cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu sản phẩm tiêu thụ kém hơn đã khiến tỷ suất lợi nhuận giảm.

Trong khi lợi nhuận thuần Q4/2021 của STK giảm (và thấp hơn dự báo của chúng tôi), lợi nhuận thuần cả năm 2021 của Công ty đạt mức cao kỷ lục kể từ khi hoạt động. Lợi nhuận thuần cả năm 2021 tăng trưởng 80,6% đạt 260 tỷ đồng và doanh thu thuần tăng trưởng 15,6% đạt 2.040 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần năm 2021 cao hơn 21,5% so với mức trước dịch COVID-19 trong năm 2019.

Nhu cầu trong nước trầm lắng tác động xấu tới doanh thu sợi tái chế

Do hoạt động sản xuất tại Việt Nam bị gián đoạn trong Q3/2021 do áp dụng các biện pháp hạn chế để chống dịch, nhiều thương hiệu thời trang đã phải chuyển một phần đơn hàng may mặc trong Q4/2021 sang các nước khác. Điều này đã khiến nhu cầu sợi trong nước suy yếu trong Q4.

Do sợi tái chế của STK chủ yếu được tiêu thụ trong nước, doanh thu Q4/2021 của mảng hoạt động chủ chốt này giảm 45% so với cùng kỳ, xuống 183 tỷ đồng và chỉ đóng góp 37% vào tổng doanh thu - tỷ trọng thấp nhất trong 7 quý gần nhất.

Chúng tôi tin rằng KQKD kém khả quan của mảng sợi tái chế trong Q4/2021 chủ yếu là do tác động ngắn hạn/tạm thời của đại dịch COVID-19. Trên thực tế, khi tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam đã tăng đáng kể, chúng tôi kỳ vọng các đơn hàng may mặc sẽ dần quay trở lại và sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh mảng này trong thời gian tới.

Doanh thu sợi nguyên sinh hồi phục mạnh sau khi hoạt động sản xuất trở lại bình thường

Mảng sợi nguyên sinh trở thành điểm sáng trong Q4/2021 với doanh thu cải thiện mạnh mẽ 31,4% so với cùng kỳ và 19,7% so với quý trước đạt 311 tỷ đồng. Do sản phẩm này chủ yếu được xuất khẩu nên sản lượng tiêu thụ đã phục hồi đáng kể sau khi hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Trong Q4/2021, mảng này đóng góp 63% tổng doanh thu, so với mức 42% cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, doanh thu sợi nguyên sinh tăng không bù đắp được sự sụt giảm của doanh thu sợi tái chế. Doanh thu thuần Q4/2021 của STK giảm 13,1% so với cùng kỳ xuống 494 tỷ đồng và lợi nhuận thuần giảm 17,2% so với cùng kỳ do tỷ suất lợi nhuận giảm khi cơ cấu sản phẩm kém hiệu quả hơn. Trong khi đó, so với quý trước, lợi nhuận thuần Q4/2021 giảm 9,2% trong khi doanh thu thuần tăng 5,5%.

Kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm 2022

Trong năm 2022, STK đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận thuần lần lượt là 2.500 tỷ đồng (tăng trưởng 22,5%) và 280 tỷ đồng (tăng trưởng 7,7%). Kế hoạch này khá thận trọng và thấp hơn nhiều so với dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần của STK sẽ tăng trưởng mạnh đạt 379 tỷ đồng (tăng trưởng 45,8%) trong năm 2022 nhờ (1) cơ cấu sản phẩm cải thiện (nhờ tỷ trọng sợi tái chế tăng) và (2) chính sách hỗ trợ (nhờ thuế chống bán phá giá đang được áp dụng đối với sợi PFY nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ). Chúng tôi đã phân tích chi tiết tác động của thuế chống bán phá giá trong Báo cáo cập nhật STK ngày 27/10/2021.

Cập nhật dự án mới và các thông tin khác

STK đang xin giấy phép đầu tư cho dự án Unitex giai đoạn 1. Dự án có công suất 36.000 tấn/năm với vốn đầu tư là 1.725 tỷ đồng (75 triệu USD). Sau khi nhà máy này đi vào hoạt động, công suất của STK sẽ tăng 60% so với mức hiện tại. Công ty dự kiến sẽ nhận được giấy phép đầu tư vào cuối Q1/2022 và bắt đầu vận hành nhà máy mới vào năm 2023. Để tài trợ cho dự án, STK dự kiến phát hành 13,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo mệnh giá để thu về 136 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, Công ty cũng đang xem xét phát hành cổ phiếu riêng lẻ

Cuối cùng, STK đã được cổ đông chấp thuận bằng văn bản về phương án phân phối cổ phiếu quỹ cho người lao động theo chương trình ESOP. Theo đó, STK sẽ sử dụng 1,04 triệu cổ phiếu quỹ (trong tổng số 2,54 triệu cổ phiếu) cho chương trình ESOP với giá 20.000đ/cp và thời gian hạn chế giao dịch là 2 năm. Việc phát hành ESOP sẽ được thực hiện sau khi phát hành 13,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu như đã đề cập ở trên.

Lưu ý, mô hình dự báo của chúng tôi đã bao gồm dự án mở rộng nhà máy và phát hành cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao gồm ESOP cũng như kế hoạch phát hành riêng lẻ (nếu có) cũng như chương trình trong mô hình dự báo.

HSC duy trì dự báo, khuyến nghị và giá mục tiêu

HSC đang chờ BCTC Q4/2021 của STK để phân tích sâu hơn. Tại thời điểm này, chúng tôi giữ nguyên dự báo, khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu là 68.500đ (tiềm năng tăng giá 29,2%) đối với STK.

Mặc dù KQKD Q4/2021 kém tích cực, do đó lợi nhuận thuần cả năm 2021 thấp hơn một chút so với dự báo của chúng tôi, HSC dự báo nhu cầu sẽ phục hồi khi các đơn hàng may mặc quay trở lại nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và lợi thế cạnh tranh dài hạn của Việt Nam trong ngành dệt may.