Sợi Thế Kỷ (STK): Triển vọng nhu cầu ngắn hạn thấp hơn; chúng tôi hoãn dự phóng mở rộng công suất

Nguồn: VCSC

Triển vọng nhu cầu ngắn hạn thấp hơn; chúng tôi hoãn dự phóng mở rộng công suất

 

STK

 

  • Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị từ MUA sang PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG do chúng tôi điều chỉnh giảm 15% giá mục tiêu do dự báo sản lượng bán thấp hơn và tăng lãi suất phi rủi ro của chúng tôi. Giá cổ phiếu của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) đã tăng 15% trong 3 tháng gần đây.
  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 10% tổng LNST dự báo giai đoạn 2022-2024 do chúng tôi giảm 8% giả định tổng sản lượng bán khi (1) nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia phát triển thấp hơn, và (2) chúng tôi giả định giai đoạn đầu dự án Unitex sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2023 so với dự báo giữa năm 2023 do quá trình phê duyệt cho nhà máy của STK chậm hơn dự kiến. Các yếu tố này được bù đắp một phần bởi chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp (SG&A) dự phóng thấp hơn, tốt hơn so với kỳ vọng của chúng tôi.
  • Chúng tôi giữ nguyên quan điểm rằng trong trung hạn, STK sẽ tiếp tục là công ty hưởng lợi lớn từ vai trò ngày tăng của Việt Nam như một trung tâm may mặc trong bối cảnh nhu cầu dịch chuyển sang sợi polyester tái chế.
  • Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS là 18% trong giai đoạn 2021- 2024 nhờ (1) sản lượng bán phục hồi trong năm 2022 do gián đoạn chuỗi cung của COVID-19 không còn, (2) giai đoạn 1 của dự án Unitex của STK (nhằm tăng công suất thêm 57%) và (3) chuyển dịch cơ cấu doanh thu bán hàng sang sợi tái chế có biên lợi nhuận cao.
  • Rủi ro đầu tư: 1) Những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng may mặc Việt Nam, do đó ảnh hưởng đến nhu cầu hạ nguồn của STK; 2) những đối thủ mới tiềm năng trong ngành sợi tái chế; 3) mất đi đối tác là công ty nhượng quyền sợi tái chế và cũng là nhà cung cấp hạt nhựa tái chế đầu vào của STK là Unifi.

Triển vọng nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng giảm dù doanh số tăng trưởng mạnh so với đầu năm. Cả xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam và nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ đều tăng trưởng ít nhất 12%-15% trong 6 tháng đầu năm 2022, theo ước tính của chúng tôi dựa trên dữ liệu thương mại. Tuy nhiên, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ của Đại học Michigan đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua vào tháng 7/2022 trong khi hàng tồn kho/doanh số quần áo của Mỹ đạt mức cao nhất trong 18 tháng qua vào tháng 6/2022, theo Cục điều tra dân số Mỹ. Lượng đơn đặt hàng từ khách hàng của STK chững lại trong quý 2/2022 và đã phục hồi nhẹ kể từ đó - điều này một phần nhờ tính thời vụ, theo quan điểm của chúng tôi.

Chúng tôi không lạc quan về doanh số sợi tái chế trong ngắn hạn nhưng vẫn lạc quan về chênh lệch giá. Chúng tôi giảm dự báo doanh số sợi tái chể nhiều hơn sợi nguyên sinh - giảm đi 24% cho riêng 2022 và 9% cho tổng 2023-2024. Điều chỉnh năm 2023-2024 một phần do việc mở rộng công suất bị trì hoãn. Trong quý 2/2022, doanh thu từ sợi tái chế giảm xuống mức thấp hơn doanh thu từ sợi nguyên sinh và sản lượng bán giảm 10% YoY, kém hiệu quả so với mức tăng trưởng sản lượng khoảng 5% của sợi nguyên sinh. Tuy nhiên, chênh lệch giá của sợi tái chế vẫn mạnh mẽ, tăng 10% QoQ và 15% YoY trong quý 2/2022, cao hơn chúng tôi dự kiến nhờ đóng góp cao hơn từ các sản phẩm giá trị gia tăng như sợi màu và sợi co giãn cao.

Việt Nam vẫn có cơ hội mở rộng vai trò trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. Trong nghiên cứu điểm chuẩn ngành thời trang năm 2022 của Tiến sĩ Sheng Lu và Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ, 50% các công ty thời trang được khảo sát lấy nguồn từ Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022, so với mức chỉ 25%-30% trong những năm gần đây. Ngoài ra, để đối phó với những rủi ro tuân thủ từ việc Mỹ thực hiện Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Uyghur (UFLPA), hơn 85% công ty tham gia khảo sát có kế hoạch giảm nhập khẩu hàng may mặc từ Trung Quốc.