SSI khuyến nghị trung lập với HDB, giá mục tiêu 40.000đ

Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo phân tích về ngân hàng HDBank (mã HDB). Uớc tính lợi nhuận của HDB đạt 7.800 tỷ đồng vào năm 2021 và 9.400 tỷ đồng vào năm 2022.

 

 

HDB vẫn ghi nhận kết quả khá tốt với lợi nhuận trước thuế đạt 2 nghìn tỷ đồng (+26,3% so với cùng kỳ) trong Q2/2021. Lũy kế 6T2021, LNTT đạt 4,2 nghìn tỷ đồng (+44,2% so với cùng kỳ).

Kết quả này là nhờ việc cơ cấu lại danh mục cho vay theo hướng tăng giải ngân đối với khách hàng cá nhân để có lợi suất bình quân cao hơn và dịch vụ thu phí đạt kết quả xuất sắc (+89,2% so với cùng kỳ). Chất lượng tài sản cải thiện, với nợ xấu và nợ tái cơ cấu đều giảm so với quý trước đạt lần lượt 2,3 nghìn tỷ đồng (-18% so với quý trước) và 989 tỷ đồng (-78% so với quý trước).

HDB cũng thay đổi cơ cấu giải ngân mới, tăng tỷ trọng tài sản có lợi suất cao hơn. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu hạn chế là khoảng 6,5% và tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối Q1/2021 là 5,18% YTD, HDB còn rất ít dư địa trong Q2/2021. Do đó, ngân hàng chọn cách tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ (+18% YTD), thường có lợi suất cao hơn 150 bps – 200 bps so với cho vay khách hành doanh nghiệp (+1,2% YTD) để tối ưu lợi suất cho vay bình quân. Giải ngân mới đến từ cho vay mua nhà (+3,3 nghìn tỷ đồng hay +13,8% YTD), cho vay hộ kinh doanh (5,6 nghìn tỷ đồng hay 23,8% YTD) và cho vay nông nghiệp (3,6 nghìn tỷ đồng hay +21,8% YTD). Theo đó, tỷ trọng cho vay bán lẻ trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 41,6% trong Q1/2021 lên 45% trong Q2/2021.

Kịch bản cơ sở là làn sóng bùng phát Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 8 và toàn dân sẽ được tiêm chủng đầy đủ trong Q2/2022. Theo kịch bản này, SSI tăng ước tính lợi nhuận 2021 và 2022 cho HDB lên 7,8 nghìn tỷ đồng (+33% YoY) và 9,4 nghìn tỷ đồng (+21% YoY).

KHUYẾN NGHỊ:

  • Yếu tố tích cực: Hạn mức tăng trưởng tín dụng bổ sung trong nửa cuối 2021 cao hơn ước tính.
  • Yếu tố tiêu cực: Nợ xấu mới hình thành cao hơn ước tính, đặc biệt là mảng tài chính tiêu dùng, do làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 4; cho vay ngành hàng không (0,7% tổng dư nợ cho vay) và một phần lớn cho vay mảng năng lượng tái tạo (7% tổng dư nợ cho vay).

Theo dự đoán, ROE 2021 và 2022 sẽ đạt 21,9% và 21,3%. SSI nâng giá mục tiêu 1 năm lên 40.000 đồng/cp (từ 34.000 đồng/cp), tiềm năng tăng giá 14,6%. Khuyến nghị Trung lập đối với cổ phiếu HDB