Nguồn: VCSC
Ban lãnh đạo kỳ vọng cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2022
Theo AC Nielsen, lượng tiêu thụ các sản phẩm làm từ sữa của Việt Nam tăng 2% YoY trong quý 2/2022 và 6 tháng đầu năm 2022 chủ yếu nhờ tăng trưởng ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu trong nước của VNM là âm 1% YoY trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo ban lãnh đạo, VNM mất thị phần trong quý 2/2022 chủ yếu do mảng sữa nước tăng trưởng kém tích cực - cụ thể là sữa tiệt trùng (UHT) - trong kênh bán hàng truyền thống, trong khi sữa tươi cao cấp (sữa tươi tiệt trùng và sữa tươi thanh trùng) có mức tăng trưởng ổn định. Ngoài ra, VNM cho rằng doanh thu giảm 6% YoY trong quý 2/2022 còn do sự gián đoạn doanh thu ngắn hạn tại một đối tác bán lẻ thương mại hiện đại lớn của VNM khi VNM tiến hành tạm dừng hoạt động bán hàng với đối tác này, sau khi đối tác này có hành vi mà VNM cho rằng có thể dẫn đến các xung đột trong kênh bán hàng. Các ngành hàng khác như sữa đặc, sữa chua uống và sữa vị trái cây tăng thị phần QoQ trong quý 2/2022, theo ban lãnh đạo. Trong khi đó, mảng sữa bột tiếp tục gặp thách thức làm giảm tăng trưởng sản lượng.
Doanh số bán hàng trong nước tăng khoảng 3% YoY trong tháng 6 và khoảng 10% YoY trong tháng 7/2022. Chúng tôi lưu ý rằng tháng 7/2021 không phải là cơ sở thấp do doanh số bán hàng trong nước của VNM vẫn tăng 5,4% YoY trong bối cảnh giãn cách xã hội nhờ hoạt động dự trữ hàng hoá từ kênh thương mại hiện đại. Theo ban lãnh đạo, VNM đã thực hiện 2 đợt tăng giá – một đợt vào tháng 3/2022 và một đợt khác vào tháng 5/2022 – với giá bán trung bình đã tăng luỹ kế khoảng 5,5% YoY trong 6 tháng đầu năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng doanh thu của VNM sẽ được hưởng lợi từ mức tăng giá này trong 6 tháng cuối năm 2022. Ban lãnh đạo dự báo sẽ không có thêm đợt tăng giá nào từ nay đến cuối năm trừ khi có biến động lớn về chi phí. Tính đến nay, VNM đã chốt giá bột sữa đầu vào cho sản xuất đến tháng 10/2022, và công ty hiện đang thực hiện chốt giá nguyên liệu đầu vào cho 2 tháng còn lại của năm 2022. Trong bối cảnh giá sữa giảm gần đây, ban lãnh đạo kỳ vọng chi phí trung bình của bột sữa đầu vào của VNM trong quý 4/2022 sẽ thấp hơn so với 9 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, ban lãnh đạo lên kế hoạch chốt giá sữa đầu vào cho quý 1/2023 trong tháng 11-12/2022.
VNM tiếp tục tập trung vào nỗ lực dài hạn nhằm tăng nguồn sữa tươi tự cung cấp. Đối với khu phức hợp canh tác Lao-Jagro của VNM mà trong đó VNM đã có quỹ đất 5.500 ha tại Lào trong năm 2019. Vinamilk đã nhận được 2.500 con bò sữa Holstein Friesian thuần chủng nhập khẩu từ Mỹ trong tháng 7/2022; trong số này có 1.000 con bò được chuyển đến trang trại Lao-Jagro và 1.500 con còn lại được chuyển đến trang trại sinh thái Green Farm tại Việt Nam. Điều này giúp tăng số lượng bò sữa do VNM sở hữu lên 36.500 con, ngoài 100.000 con do nông dân liên kết sở hữu. Chúng tôi lưu ý rằng đàn bò sữa hiện tại của VNM là 162.500 con, bao gồm cả số bò từ Mộc Châu Milk (MCM) và các nông dân liên kết của MCM. VNM dự báo đến cuối năm 2025, trang trại Lao-Jagro sẽ hoạt động với 8.000 con bò, điều này sẽ giúp tăng đóng góp vào nguồn sữa tươi tự cung cấp của VNM cho tổng nhu cầu nguồn cung lên khoảng 23% vào cuối năm 2025 từ mức 18% trong 6 tháng đầu năm 2022 và 16% trong năm 2020. Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ bắt đầu thu hoạch sữa tươi từ trang trại Lao-Jagro trong quý 3/2023. VNM cũng dự báo biên lợi nhuận gộp của các sản phẩm sữa tươi sẽ tăng nhờ số lượng bò sữa tăng giúp tăng lợi
thế kinh tế theo quy mô.
Gần đây, VNM đã giới thiệu thương hiệu sữa hạt Super Nut nhằm hướng đến nhóm khách hàng trẻ và quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ. Theo quan sát của chúng tôi, dòng sản phẩm Super Nut có giá cao hơn khoảng 66% so với các sản phẩm sữa hạt khác của VNM. VNM dự phóng thương hiệu này sẽ đóng góp 30% vào danh mục sữa thực vật của VNM vào cuối năm 2022.