Sữa Việt Nam (VNM): Biên lợi nhuận dự kiến tăng trong quý 4/2022 – quý 1/2023

Nguồn: VCSC

Biên lợi nhuận dự kiến tăng trong quý 4/2022 – quý 1/2023

 

VNM

 

  • Chúng tôi đã tham dự cuộc họp với các nhà đầu tư của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) vào ngày 03/11, trong đó ban lãnh đạo đã cung cấp thông tin chi tiết về KQKD 9 tháng đầu năm 2022 của công ty và triển vọng ngắn hạn.
  • Nhìn chung, ban lãnh đạo dự kiến biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện trong quý 4/2022 – quý 1/2023 nhưng vẫn giữ quan điểm thận trọng về tăng trưởng doanh thu vào năm 2023.

Ban lãnh đạo dự kiến doanh số bán hàng trong nước sẽ tiếp tục cải thiện trong quý 4/2022 nhưng vẫn thận trọng về doanh số xuất khẩu. Ban lãnh đạo cho biết thị phần sữa nước sẽ phục hồi so với quý trước (QoQ) trong quý 3/2022. Tuy nhiên, tăng trưởng sản lượng sữa bột vẫn gặp áp lực trong 9 tháng đầu năm 2022. Dù vậy, ban lãnh đạo kỳ vọng việc USD giảm giá sẽ đặt ra thách thức cho các nhà nhập khẩu sữa bột, điều này có lợi cho các doanh nghiệp sở hữu chuỗi giá trị sản xuất sữa bột trong nước như VNM. Đối với chi tiêu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm làm từ sữa trong 9T 2022, ban lãnh đạo xem các sản phẩm từ sữa là hàng hóa co giãn (sản phẩm mà người tiêu dùng sẽ không mua nếu giá cả tăng) mặc dù sữa là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khi hầu hết người tiêu dùng Việt Nam không xem các sản phẩm từ sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu; do đó, nhu cầu đối với các sản phẩm sữa suy yếu khi người tiêu dùng đại chúng thắt chặt thói quen chi tiêu. Tuy nhiên, ban lãnh đạo kỳ vọng VNM sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tích cực trong quý 4/2022 so với mức tăng trưởng đi ngang trong 9T 2022, nhờ đóng góp từ việc ra mắt sản phẩm mới và các kế hoạch marketing mới trong 9T 2022. Về thị trường xuất khẩu, thị trường Trung Đông ghi nhận mức chi tiêu giảm mạnh từ người tiêu dùng và cạnh tranh gay gắt về giá giữa các công ty sữa, điều này sẽ tiếp tục làm giảm doanh thu xuất khẩu của VNM trong năm 2022. Ban lãnh đạo dự kiến sẽ (1) điều chỉnh bao bì có thể làm giảm giá bán và (2) tăng cường hỗ trợ bán hàng cho các nhà phân phối ở Trung Đông để hỗ trợ doanh số. Ngoài ra, VNM đang mở rộng thị trường sang các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines thông qua liên doanh với Del Monte để đa dạng hóa nguồn thu xuất khẩu và bù đắp cho tình hình hoạt động kém tich cực tại Trung Đông.

Do giá sữa bột toàn cầu giảm gần đây, ban lãnh đạo dự kiến giá chi phí đầu vào bình quân sữa bột nguyên liệu đầu vào của VNM trong quý 4/2022 sẽ thấp hơn trong 9T 2022. Ban lãnh đạo kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện trong quý 4/2022 và quý 1/2023. Ngoài ra, ban lãnh đạo nhận thấy nguồn cung sữa tươi trong nước của VNM đang tăng dần và thậm chí dự kiến nguồn cung sữa tươi của VNM sẽ thặng dư trong mùa đông. Để tận dụng nguồn thặng dư này, một dây chuyền sản xuất bơ mới đã được thành lập vào quý 3/2022. Ngoài ra, sữa bột gầy có thể được chiết xuất từ dây chuyền sản xuất này và sẽ thay thế một phần sữa bột gầy nhập khẩu. Mặc dù chi phí sử dụng sữa bột gầy tự sản xuất cao hơn so với nhập khẩu, nhưng VNM kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả của nguồn cung trong nước và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.