Sữa Việt Nam (VNM): Chi phí nguyên vật liệu cao ăn mòn lợi nhuận

Nguồn: SSI

Chi phí nguyên vật liệu cao ăn mòn lợi nhuận

 

VNM

 

VNM đặt kế hoạch năm 2022 với doanh thu thuần tăng 5% so với cùng kỳ (bao gồm cả giá bán bình quân tăng) và LNST đạt 9,8 nghìn tỷ đồng (-7,7% so với cùng kỳ). Công ty cũng đặt mục tiêu chiếm 56% thị phần theo giá trị trong năm 2022, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2021. Cổ tức tiền mặt cho năm 2021 được thông qua ở mức 38,5% (29% đã được chi trả), tương ứng với tỷ lệ chi trả là 76%.

Do giá nguyên liệu đầu vào (bột sữa nguyên liệu, sữa tươi, thức ăn chăn nuôi, đường, chi phí đóng gói) vẫn ở mức cao lâu hơn so với dự kiến của chúng tôi trước đó, chúng tôi điều chỉnh giảm ước tính doanh thu và LNST năm 2022 lần lượt là 1% và 10%. Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu VNM xuống 82.000 đồng/cổ phiếu (từ 90.000 đồng/cổ phiếu), dựa trên phương pháp định giá DCF (với WACC cao hơn để phản ánh lãi suất phi rủi ro cao hơn) và P/E mục tiêu thấp hơn là 18x (từ 19x). Chúng tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng âm trong năm 2022 phần lớn đã được thị trường nhìn nhận. Với tiềm năng tăng trưởng 13% theo giá mục tiêu mới, chúng tôi lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu VNM.

Tại ĐHCĐ, ban lãnh đạo đã trao đổi về áp lực lên biên lợi nhuận trong các quý còn lại của năm, do giá của tất cả các nguyên liệu đầu vào đã tăng từ 37-40% so với cùng kỳ. Để khắc phục điều này, VNM đã tăng khoảng 5% giá bán bình quân trong Q1/2022. VNM cũng đã chốt giá các hợp đồng nguyên vật liệu đến tháng 8/2022. Theo ban lãnh đạo, hậu Covid-19, nhu cầu trong nước sẽ phục hồi dần (do người tiêu dùng thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh), trong khi doanh thu xuất khẩu dự kiến chỉ tăng từ 5 -10% so với cùng kỳ trong năm 2022. Về dài hạn, ban lãnh đạo vẫn cho rằng mức tiêu thụ trong nước là chưa bão hòa và sẽ tiếp tục tăng trưởng tương ứng với tốc độ tăng trưởng GDP. Đến năm 2026, VNM đặt kế hoạch doanh thu là 86 nghìn tỷ đồng (CAGR là 7,2% giai đoạn 2021-2026) và LNTT là 16 nghìn tỷ đồng (CAGR là 4,4%).

KQKD Q1/2022: Công ty công bố doanh thu đạt 13,9 nghìn tỷ đồng (+5% so với cùng kỳ) và LNST đạt 2,28 tỷ đồng (-12% so với cùng kỳ), đây là quý thứ 5 liên tiếp VNM ghi nhận mức lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Mặc dù tăng trưởng doanh thu tương đối phù hợp với ước tính của chúng tôi, nhưng LNST lại thấp hơn so với ước tính của chúng tôi (chúng tôi ước tính lợi nhuận sẽ chỉ giảm ở mức một con số). Tổng doanh thu trong nước (VNM và MCM) đạt 11,66 nghìn tỷ đồng (+4,2% so với cùng kỳ), trong khi doanh thu từ nước ngoài tăng 10,3% so với cùng kỳ trong Q1/2022. Đáng chú ý, công ty đã tăng 5% giá bán bình quân so với cùng kỳ trong Q1/2022. Do đó, tăng trưởng sản lượng chỉ chưa đầy 2% đối với thị trường trong nước, cho thấy sự phục hồi về nhu cầu vẫn còn rất yếu. Biên lợi nhuận gộp trong quý đạt 40,5%, giảm 300 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và 250 điểm phần trăm so với quý trước. Đây cũng là mức biên lợi nhuận gộp thấp nhất của VNM kể từ Q2/2015 đến nay. Theo ban lãnh đạo, chi phí nguyên vật liệu hiện tại (như thức ăn chăn nuôi, bột sữa và đường) đã tăng tới gần 40% so với cùng kỳ, điều này gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của công ty. Thông thường, nguyên vật liệu thường chiếm 54-60% chi phí sản xuất của VNM trong 5 năm qua.

Từ Q2/2022, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng doanh thu sẽ tăng tốc do tác động của việc nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn và mùa cao điểm (thường là từ Q2 đến Q3). Trên thị trường thế giới, giá sữa bột (sữa nguyên kem và sữa bột tách béo) bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh vào cuối tháng 3/2022. Với tác động đầy đủ của giá bán bình quân cao hơn từ Q2/2022, biên lợi nhuận quý tới có khả năng cải thiện.

Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Doanh thu thấp hơn dự kiến, giá nguyên liệu đầu vào tăng hơn dự kiến và chi phí bất thường khác.