Sữa Việt Nam (VNM): Kế hoạch tăng trưởng một chữ số trong giai đoạn 2022- 2026

Nguồn: VCSC

Kế hoạch tăng trưởng một chữ số trong giai đoạn 2022-2026

 

VNM

 

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) vào ngày 26/4. Những ghi nhận chính của chúng tôi như sau.
  • Ban lãnh đạo dự kiến tổng doanh thu từ sữa toàn Việt Nam sẽ đạt 136 nghìn tỷ đồng vào năm 2026, trong đó doanh thu của VNM chiếm 86,2 nghìn tỷ đồng (CAGR giai đoạn 2021-2026 đạt 7,2%) và tương đương với thị phần 63%. Ngoài ra, ban lãnh đạo đặt kế hoạch LNTT năm 2026 đạt 16 nghìn tỷ đồng (CAGR giai đoạn 2021-2026 đạt 4,4%), chiếm 91% dự báo của chúng tôi.
  • Kế hoạch năm 2022: Ban lãnh đạo đặt kế hoạch doanh thu ròng đạt 64,1 nghìn tỷ đồng (+5,0% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 9,7 nghìn tỷ đồng (-7,7% YoY), lần lượt tương ứng 98% và 89% dự báo của chúng tôi. Kế hoạch này tương ứng biên lợi nhuận ròng sẽ giảm từ 17,3% vào năm 2021 còn 15,2% vào năm 2022 so với dự báo năm 2022 của chúng tôi là 16,8%. Chúng tôi tin rằng kế hoạch này là hợp lý do (1) lạm phát chi phí nguyên liệu đối với VNM vào năm 2022 cao hơn so với năm 2021 - chúng tôi cho rằng công ty sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển toàn bộ mức tăng của chi phí sang người tiêu dùng - và (2) tiêu thụ sữa trong nước chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh rõ ràng. Ngoài ra, công ty đặt mục tiêu thị phần về giá trị đạt 56% (+0,5 điểm phần trăm YoY).
  • Công ty đã chốt giá bột sữa cho sản xuất cho đến tháng 8/2022 và đã tiến hành tăng giá bán trong quý 1/2022. Mức tăng giá lũy kế thông thường của VNM hàng năm được thiết lập không vượt quá 5%. Dựa trên những dự báo gần nhất của chúng tôi, chúng tôi dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2022 của VNM sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm còn 42,9% so với năm 2021. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy khả năng giảm dự báo biên lợi nhuận gộp cho VNM, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
  • Chiến lược phát triển dài hạn: (1) Đẩy mạnh nghiên cứu & phát triển các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu dinh dưỡng toàn diện, (2) khai thác cơ hội kinh doanh thông qua M&A, liên doanh hoặc các hoạt động đầu tư, và (3) ứng dụng công nghệ trong cải tiến canh tác và chăn nuôi gia súc.
  • Ban lãnh đạo cũng cho biết VNM không có ý định mua lại cổ phần để hỗ trợ giá cổ phiếu của công ty.
  • Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2026: Sau 7 năm giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị của VNM, bà Lê Thị Băng Tâm đã quyết định từ chức. Chủ tịch HĐQT mới là ông Nguyễn Hạnh Phúc, người đã giữ chức vụ Tổng thư ký Quốc hội từ năm 2016 cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 11/2021.

Tóm tắt các nghị quyết ĐHCĐ chính

  • Cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2022 với doanh thu thuần đạt 64,1 nghìn tỷ đồng (+5,0% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 9,7 tỷ đồng (-7,7% YoY).
  • Ngoài ra, các cổ đông đã thông qua việc chia đợt cổ tức tiền mặt cuối cùng cho năm tài chính 2021 ở mức 950 đồng/CP; ngày chốt danh sách là ngày 07/07/2022 và ngày thanh toán là ngày 19/08/2022. Bao gồm đợt thanh toán cuối cùng này, tổng cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2021 đạt 3.850 đồng/CP (lợi suất 5,1%), nhìn chung phù hợp với dự báo của chúng tôi là 3.900 đồng/CP.
  • Ngoài ra, các cổ đông đã thông qua mức cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2022 là 3.850 đồng/CP. Đợt thanh toán đầu tiên trị giá 1.500 đồng/CP có ngày chốt danh sách là ngày 07/07/2022 và dự kiến thanh toán vào ngày 19/08/2022.
  • Cuối cùng, các cổ đông đã thông qua việc bầu HĐQT nhiệm kỳ 2022-2026.