Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Cập nhật Kết quả kinh doanh

Nguồn: SSI

Cập nhật Kết quả kinh doanh

 

BVH

 

Mặc dù lãi suất huy động liên tục tăng mạnh trong năm 2022, nhưng tác động đến KQKD của BVH là trong 9 tháng đầu năm 2022 còn rất hạn chế, do thị trường chứng khoán không khả quan và tỷ lệ bồi thường không còn ở mức thấp đặc biệt như năm 2021 trong giai đoạn giãn cách xã hội. Điều này phù hợp với dự báo của SSI Research và do đó, ước tính LNTT năm 2022 của chúng tôi duy trì ở mức 2 nghìn tỷ đồng (giảm 0.6% so với cùng kỳ). Năm 2023, chúng tôi cho rằng tác động của việc tăng lãi suất đến kết quả kinh doanh của BVH sẽ được thể hiện rõ rệt hơn, với doanh thu tài chính tăng tốt theo xu hướng của lãi suất tiền gửi. Chúng tôi đang xem xét lại ước tính lợi nhuận cho năm 2023, trong khi chờ công ty công bố rõ hơn về danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (12,6 nghìn tỷ đồng cuối tháng 9/2022).

Thị phần tiếp tục giảm, mặc dù với tốc độ chậm hơn

Mặc dù doanh thu phí khai thác mới (NBP) tại Công ty Bảo Việt nhân thọ (BaoVietLife - BVL) giảm 14% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022, công ty vẫn giữ vị trí số 1 về thị phần bảo hiểm nhân thọ khi công ty đứng thứ 2 là Manulife ghi nhận doanh thu phí khai thác mới giảm mạnh hơn (giảm 19% so với cùng kỳ). Chúng tôi cho rằng điều này là do hạn mức tín dụng của TCB bị thắt chặt trong quý 3 năm 2022 và hoạt động bán bancassurance không còn được triển khai mạnh mẽ tại SCB. SCB trước đây từng đứng đầu về doanh thu bancassurance, trong khi TCB đứng thứ 5 ~6. Xét về cơ cấu sản phẩm, bảo hiểm liên kết chung tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng của BVL (tăng 19% so với cùng kỳ), trong khi bảo hiểm hỗn hợp sụt giảm (10,7% so với cùng kỳ).

Kể từ năm 2020, BVL vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm ổn định ở mức 10~11%/năm và chúng tôi tin rằng xu hướng này có thể tiếp tục trong dài hạn. Trong khi đó, do các đối thủ phụ thuộc nhiều vào thị trường bancassurance, tốc độ tăng trưởng của công ty đối thủ có thể sẽ không còn quá mạnh mẽ như trước đây do những giới hạn về trần tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng và hoạt động bancassurance dần bị giám sát chặt chẽ hơn. Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, các ngân hàng bán chéo bảo hiểm có thể phải ghi âm, lưu lại trong 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh số bán bancassurance của một số ngân hàng, khi việc khách hàng buộc phải tham gia hợp đồng bảo hiểm để đăng ký khoản vay dần được hạn chế. Bên cạnh đó, khi lãi suất tăng, tỷ lệ hủy hợp đồng tại BVL có thể thấp hơn so với các công ty cùng ngành do cách tiếp cận khách hàng ít yếu tố “bắt buộc” hơn, điều này sẽ dẫn đến việc gia hạn hợp đồng nhiều hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, BVGI duy trì thị phần lớn thứ hai (14,6%) sau PVI (15,2%), mặc dù doanh thu phí bảo hiểm trong quý 3/2022 của BVH ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ (tăng 31% so với cùng kỳ) nhờ bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người tăng rất mạnh (41% so với cùng kỳ). Từ năm 2021 đến quý 3 năm 2022, các nghiệp vụ bảo hiểm bán buôn có mức tăng trưởng bình quân tốt hơn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói chung do giá hàng hóa cao hơn, hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi,... Chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ khó duy trì trong thời gian tới do các biến số kinh tế yếu hơn ở cả Việt Nam và trên toàn cầu. Vì BVGI có thế mạnh trong mảng bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn cá nhân, chúng tôi tin rằng thị phần của BVGI có thể duy trì ở mức hiện tại trong năm 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ bồi thường sẽ tiếp tục cao do đặc thù của mảng bảo hiểm bán lẻ. Chúng tôi giả định tỷ lệ bồi thường trong năm 2022 và 2023 là 45,8%, tương đương với mức trung bình trong 9 tháng đầu năm 2022.

Doanh thu tài chính sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2023

Trong quý 3 năm 2022, mặc dù dự phòng bảo hiểm tăng 5,6 nghìn tỷ đồng (tăng 4% so với quý trước], AUM (tổng giá trị tài sản đầu tư) đã giảm 2,3 nghìn tỷ đồng (giảm 1,3% so với quý trước). Về phân bổ danh mục đầu tư, BVH đã giảm số dư tiền gửi 7 nghìn tỷ đồng (giảm 6,4% so với quý trước) và phân bổ nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp (tăng 2,7 nghìn tỷ đồng) và trái phiếu chính phủ (tăng 1,8 nghìn tỷ đồng). Chúng tôi cho rằng việc tăng tỷ trọng trái phiếu chính phủ là để đáp ứng cân đối về kỳ hạn giữa tài sản và nợ phải trả, trong khi việc tăng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được thực hiên với mục đích cải thiện ROI. Diễn biến này tại BVH xảy ra trước thời điểm những diễn biến gần đây trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp do sự cố Vạn Thịnh Phát gây ra.

ROI trong quý 3 năm 2022 đạt 4,7% (so với 5,6% trong quý 3 năm 2021), do công ty tiếp tục phải tăng dự phòng rủi ro cho danh mục đầu tư cổ phiếu. Mặc dù chúng tôi tin rằng lợi ích của việc tăng lãi suất tiền gửi và lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ được phản ánh rõ ràng hơn trong kết quả kinh doanh năm 2023, nhưng chúng tôi giữ quan điểm thận trọng với danh mục trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù chúng tôi cho rằng danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của công ty tập trung vào các trái phiếu do ngân hàng phát hành, nhưng cần phải có thêm thông tin về danh mục này để có thể đánh giá được chính xác rủi ro của công ty.