Nguồn: VCSC
Kế hoạch cổ tức tiền mặt cao kỷ lục
Ban lãnh đạo đã cho biết KQKD sơ bộ 6 tháng đầu năm 2022. Trong phần hỏi đáp, ban lãnh đạo chia sẻ rằng KQKD 6 tháng đầu năm 2022 theo sát với kế hoạch đề ra tại ĐHCĐ khi LNST hợp nhất đạt 805 tỷ đồng (hoàn thành 50,3% kế hoạch kinh doanh) và LNST công ty mẹ là 566 tỷ đồng (hoàn thành 50,1% kế hoạch ĐHCĐ). Chúng tôi ước tính kết quả hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 đã hoàn thành khoảng 31,3% dự báo cả năm của chúng tôi, thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi. Theo ban lãnh đạo, công ty mẹ và hầu hết các công ty con đã hoàn thành khoảng 50% kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022 - ngoại trừ Chứng khoán Bảo Việt có lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 hoàn thành khoảng 40% kế hoạch cả năm do tình hình thị trường chứng khoán không thuận lợi trong quý 2/2022. Nhìn chung, kế hoạch kinh doanh của BVH ở cấp độ công ty mẹ là thận trọng, theo quan điểm của chúng tôi.
BVH công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt cao nhất từ trước đến nay. Cổ đông đã thông qua mức cổ tức 30,261% bằng tiền mặt trên mệnh giá cho năm tài chính 2021, tương đương với 3.026 đồng/cổ phiếu. Theo đề xuất, BVH sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2021 bằng toàn bộ lợi nhuận giữ lại lũy kế sau khi trích lập các quỹ là 2,246 nghìn tỷ đồng để tuân thủ Nghị định 140/2020/NĐ-CP ban hành vào cuối tháng 11/2020 yêu cầu doanh nghiệp có trên 50% vốn điều lệ (hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) do Nhà nước nắm giữ bảo đảm lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ sẽ được chia bằng tiền cho các cổ đông, thành viên góp vốn (không áp dụng quy định này đối với các ngân hàng).
Ban lãnh đạo sẽ xem xét việc cổ phần hóa Bảo hiểm Bảo Việt (bảo hiểm phi nhân thọ) và Bảo Việt Nhân thọ (bảo hiểm nhân thọ) trong giai đoạn 2026-2030. Ban lãnh đạo chia sẻ rằng mặc dù đứng đầu về tổng thị phần phí bảo hiểm gốc, vốn điều lệ của Bảo Việt Nhân thọ đứng thứ tám trong số các công ty bảo hiểm nhân thọ với 6 nghìn tỷ đồng (FWD Việt Nam đứng đầu về vốn điều lệ với 18,5 nghìn tỷ đồng); do đó, việc huy động vốn là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo NĐ 140, tất cả lợi nhuận giữ lại sẽ được trả cho các cổ đông bằng tiền mặt; Ngoài ra, nguồn tăng vốn còn lại hiện đang nắm giữ tại công ty mẹ có thể chuyển sang công ty con là 1,95 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 31/05/2022. Do đó, ban lãnh đạo cho biết sẽ xem xét cổ phần hóa các công ty bảo hiểm con trong giai đoạn 2026-2030 để tăng tính linh hoạt của nguồn vốn. Mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể nào được công bố, nhưng chúng tôi tin rằng các phương án có thể bao gồm IPO và niêm yết 1 trong 2 hoặc cả 2 công ty con hoặc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược.
Bộ Tài chính (MoF) sẽ vẫn là cổ đông lớn nhất của BVH. Bộ Tài chính hiện sở hữu 65% cổ phần tại BVH và ban lãnh đạo cho biết tỷ lệ sở hữu của Bộ Tài chính sẽ không thay đổi cho đến năm 2025. Ban lãnh đạo có thể xem xét giảm tỷ lệ sở hữu của Bộ Tài chính xuống 51% kể từ năm 2026 bằng cách (1) tăng vốn góp của các cổ đông khác và/hoặc (2) phát hành riêng lẻ. Dòng vốn mới sẽ giúp BVH củng cố vị thế vốn và hỗ trợ các công ty con.
Sumitomo Life đã nhận được sự chấp thuận của cổ đông về việc thay thế một người đại diện trong HĐQT nhiệm kỳ 2021-2023. Cổ đông đã thông qua ông Inami Ryota làm Thành viên HĐQT mới thay ông Teruo Shimmen. Cả ông Ryota và ông Shimmen đều là đại diện của cổ đông chiến lược Sumitomo Life của BVH. Do đó, chỉ có một thành viên HĐQT mới được bầu so với kế hoạch trước ĐHCĐ của công ty là 2 thành viên.