Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR): Kế hoạch lợi nhuận đi ngang YoY trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng

Nguồn: VCSC

Kế hoạch lợi nhuận đi ngang YoY trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng

 

GVR

 

  • Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đã tổ chức ĐHCĐ tại TP. HCM vào ngày 17/06/2022.
  • Các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 của GVR với tổng thu nhập (bao gồm doanh thu, thu nhập tài chính và thu nhập khác) là 29,7 nghìn tỷ đồng (+4,8% YoY) và LNST là 5,3 nghìn tỷ đồng (đi ngang YoY), tương ứng 92% và 84% dự báo cả năm của chúng tôi.
  • Chúng tôi cho rằng sự chênh lệch giữa dự báo LNST năm 2022 của chúng tôi và kế hoạch của GVR là do dự báo cao hơn của chúng tôi cho (1) lợi nhuận đóng góp của mảng cao su - mà chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 7% YoY trong năm 2022 so với kế hoạch lợi nhuận không đổi YoY của GVR - và (2) thu nhập tài chính từ việc thoái vốn theo kế hoạch của GVR là 500 tỷ - 600 tỷ đồng so với dự báo hiện tại của chúng tôi là 841 tỷ đồng vào năm 2022. Chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh giảm đối với các dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
  • Các cổ đông đã thông qua mức cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2021 là 410 đồng/cổ phiếu (tương đương lợi suất cổ tức là 1,8%), thấp hơn mức cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2021 được đề xuất tại ĐHCĐ năm 2021 của GVR và giả định hiện tại của chúng tôi là 600 đồng/cổ phiếu.
  • Các cổ đông cũng đã thông qua việc phân bổ 16,4 tỷ đồng từ lợi nhuận năm 2021 cho quỹ khen thưởng và phúc lợi cho nhân viên và ban lãnh đạo, hầu như không thay đổi so với năm trước. Ngoài ra, số tiền này là một khoản không đáng kể so với lợi nhuận của GVR.

Ban lãnh đạo đặt kế hoạch lợi nhuận của mảng mủ cao su sẽ không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Ban lãnh đạo kỳ vọng sản lượng mủ cao su sẽ tăng khoảng 6%-8% YoY vào năm 2022. Trong khi đó, ban lãnh đạo đặt kế hoạch giá bán trung bình (ASP) sẽ không thay đổi so với cùng kỳ năm trước ở mức khoảng 39 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, ban lãnh đạo chia sẻ chi phí của mảng kinh doanh này sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm trước do một số chi phí sản xuất/nguyên liệu chính (như giá phân bón và chi phí logistic) đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chi phí nhân công (chiếm khoảng 40% chi phí sản xuất) đang có xu hướng tăng do Việt Nam sẽ áp dụng mức lương tối thiểu mới (cao hơn khoảng 5%-6% so với mức hiện hành, tùy theo vùng) có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cho biết chi phí thuê đất cao su đã tăng tại một số tỉnh.

Kế hoạch thoái vốn đang chờ phê duyệt; ban lãnh đạo có kế hoạch không thoái vốn nếu điều kiện thị trường không thuận lợi. Các đợt thoái vốn của GVR sẽ bao gồm (1) thoái vốn 20% cổ phần tại KCN Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC), (2) thoái vốn khoảng 2% cổ phần còn lại CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) và (3) thoái vốn toàn bộ khỏi các mảng kinh doanh ngoài cốt lõi, trong đó có 5 nhà máy thủy điện và một số khoản thoái vốn không đáng kể. Ban lãnh đạo chia sẻ rằng GVR đã chọn tư vấn cho việc thoái vốn và đang chờ cơ quan Chính phủ phê duyệt.

Chuyển đổi đất sang phát triển KCN tiếp tục gặp một số khó khăn. Ban lãnh đạo cho rằng một số tỉnh còn thận trọng trong việc phê duyệt chuyển đổi đất cao su sang phát triển KCN mà không thông qua đấu giá dù đã có quy định (bao gồm Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 148/2020/NĐ- CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai) nêu rằng các công ty cao su không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép thỏa thuận với chủ đầu tư (nhà đầu tư) về việc bồi thường tài sản gắn liền với đất. Nhà nước thu hồi đất của các công ty cao su và giao cho các chủ đầu tư phát triển KCN mà không phải đấu giá, nhưng việc xác định phí quyền sử dụng đất phải tuân theo các quy định hiện hành. Ban lãnh đạo chia sẻ rằng nếu những khó khăn này được giải quyết vào cuối năm nay, GVR có thể sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 đã được ĐHCĐ thông qua.