Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR): Thách thức đối với mảng cao su, giá trị quỹ đất hỗ trợ triển vọng

Nguồn: VCSC

Thách thức đối với mảng cao su, giá trị quỹ đất hỗ trợ triển vọng

 

GVR

 

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN mặc dù điều chỉnh giảm 4,8% giá mục tiêu còn 27.600 đồng/CP cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (GVR).
  • Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận cho mảng cao su tự nhiên và tăng giả định lãi suất phi rủi ro thêm 0,5 điểm %. Theo đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 6,9% dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2025 cho GVR.
  • Trong năm 2022, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 26,8 nghìn tỷ đồng (+2,5% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (-1,1% YoY). Chúng tôi kỳ vọng mảng mủ cao su tự nhiên sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng doanh thu. Trong khi đó, lợi nhuận sẽ được dẫn dắt bởi khoản thu nhập ròng khác từ bồi thường và thanh lý cây cao su, một phần bị ảnh hưởng bởi mức giảm 3,3 điểm % biên lợi nhuận gộp trong năm nay.
  • Chúng tôi kỳ vọng GVR sẽ ghi nhận lãi từ việc thoái vốn tại CTCP KCN Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) trong năm 2023 so với năm 2022 trong dự báo trước đây, được bù đắp một phần nhờ dự báo thu nhập ròng khác tăng trong năm 2022 từ việc thanh lý cây cao su. Chúng tôi cho rằng việc thoái vốn bị trì hoãn là do quy trình phê duyệt chậm hơn dự kiến, trong khi chúng tôi dự báo đóng góp cao hơn từ việc thanh lý cây cao su dựa vào KQKD tích cực của mảng này trong 6 tháng đầu năm 2022. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 16% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS trong năm 2022.
  • Chúng tôi tin rằng GVR là công ty hưởng lợi chính từ nhu cầu đất KCN cao ở Việt Nam. Dù những dự báo của chúng tôi đối với việc chuyển đổi đất cao su của GVR là thận trọng so với kế hoạch của công ty, chúng tôi tin rằng GVR có định giá khá hấp dẫn vì công ty có giá trị quỹ đất đáng kể.
  • Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: Tiến độ phát triển chậm của các KCN trong tương lai; giá cao su tự nhiên giảm.

Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận đối với mảng mủ cao su tự nhiên (CSTN) của GVR do dự báo nhu cầu thấp đối với mảng xuất khẩu CSTN và chi phí sản xuất gia tăng. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ mủ CSTN lớn nhất thế giới, các hoạt động sản xuất dự kiến sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách giãn cách xã hội kéo dài do COVID-19 tại quốc gia này. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng lạm phát cao trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu từ mảng công nghiệp ô tô, vốn chiếm tỷ trọng tiêu thụ mủ CSTN lớn nhất (khoảng 65%) trên toàn thế giới. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 6,7% dự báo tổng doanh thu mảng mủ CSTN (chiếm khoảng 70% doanh thu của GVR) trong giai đoạn 2022-2025 và điều chỉnh giảm giả định biên lợi nhuận gộp xuống còn khoảng 22%-30% so với 29%-32% trong dự báo trước đây. Cụ thể, chúng tôi điều chỉnh giảm 11%/11% dự báo doanh thu và giảm dự báo biên lợi nhuận gộp xuống còn 27%/22% trong các năm 2022/2023 của mảng mủ CSTN.

Giá trị quỹ đất lớn; ghi nhận giá trị quỹ đất cần nhiều thời gian và yêu cầu các quy định rõ ràng hơn. Phần lớn các dự án KCN trong tương lai của GVR, được chuyển đổi từ đất cao su, đang chờ phê duyệt vào trong quy hoạch tổng thể cấp tỉnh và phê duyệt chủ trương đầu tư từ Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng việc chuyển đổi đất KCN đối với các dự án KCN sắp tới của GVR sẽ được thực hiện chủ yếu trong giai đoạn 2024-2025 (ngoài KCN VSIP III đã được trình bày chi tiết trong Báo cáo Cập nhật PHR gần nhất của chúng tôi). Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi, việc đẩy nhanh thủ tục phê duyệt cho các dự án này yêu cầu các quy định rõ ràng hơn về việc chuyển đổi đất cao su thành đất KCN và quy trình lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng giá trị quỹ đất tiềm năng của GVR vẫn duy trì tích cực nhờ lợi thế về mặt thời gian khi chuyển đổi từ đất cao su thành đất KCN và được hỗ trợ từ Chính phủ do việc chuyển đổi đất thành công sẽ giúp tăng giá trị quỹ đất.