Tập đoàn Container Việt Nam (VSC): KQKD Q1/2022 tăng mạnh 42%, sát với dự báo

Nguồn: HSC

KQKD Q1/2022 tăng mạnh 42%, sát với dự báo

 

VSC

 

Tóm tắt

Lợi nhuận thuần Q1/2022 của VSC tăng 42% đạt 90 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần tăng nhẹ 7,8% đạt 469 tỷ đồng, sát với dự báo của chúng tôi.

Tỷ suất lợi nhuận gộp Q1/2022 tăng mạnh lên 34,6% từ 27,3% trong Q1/2021 nhờ cải thiện quản lý chi phí.

VSC đang đàm phán mua 100% cổ phần tại cảng cạn Quảng Bình – Đình Vũ để mở rộng mảng logistics trong Q2/2022.

HSC duy trì dự báo và khuyến nghị Nắm giữ với giá mục tiêu là 46.700đ. VSC hiện đang giao dịch với EV/EBITDA trượt dự phóng 1 năm là 5,9 lần, so với mức bình quân trong quá khứ là 5,4 lần.

Sự kiện: Công bố KQKD Q1/2022

VSC công bố KQKD Q1/2022 khả quan với lợi nhuận thuần tăng 42% so với cùng kỳ nhờ tỷ suất lợi nhuận và doanh thu thuần tăng. KQKD này sát với dự báo, đạt lần lượt 22,6% và 23,0% dự báo lợi nhuận thuần và doanh thu thuần năm 2022 của chúng tôi.

Doanh thu thuần tăng nhẹ

Doanh thu thuần trong Q1/2022 tăng nhẹ 7,8% so với cùng kỳ đạt 469 tỷ đồng. Do 2 trong số các cảng của VSC đã hoạt động với công suất gần như tối đa trong năm 2021, HSC cho rằng tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ mảng logistic và vận tải thay vì mảng cảng biển.

VSC vẫn chưa công bố sản lượng hàng hoá qua cảng trong Q1/2022. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, cảng Green và cảng VIP Green của VSC đã tiếp nhận xử lý 235.153 TEU (tăng 2,6% so với cùng kỳ) trong Q1/2022. HSC ước tính sản lượng thuê ngoài của VSC đạt khoảng 30.000 TEU (giảm 18,9% so với cùng kỳ) và tổng sản lượng hàng hoá qua cảng của Công ty đã đi ngang so với cùng kỳ đạt khoảng 265.000 TEU trong Q1/2022.

Do hạn chế về công suất, VSC cần triển khai các dự án đầu tư mới để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, do việc cải thiện lợi nhuận cũng sẽ đến lúc đạt mức giới hạn khi các chi phí được tối ưu.

Tỷ suất lợi nhuận tăng mạnh

Tỷ suất lợi nhuận gộp trong Q1/2022 đã tăng lên 34,6% từ 27,3% trong Q1/2021 nhờ quản lý chi phí hiệu quả hơn. Lưu ý, VSC đã tái cơ cấu hoạt động quản lý chi phí kể từ Q2/2021 thông qua giảm mạnh sản lượng thuê ngoài. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận đã cải thiện mạnh mẽ kể từ Q2/2021. Trong năm 2022, tỷ lệ chi phí thuê ngoài/doanh thu giảm mạnh xuống 43,6% so với 54,0% trong năm 2020, nhờ đó tỷ suất lợi nhuận gộp đã tăng mạnh.

So với 9 tháng cuối năm 2021, tỷ suất lợi nhuận gộp trong Q1/2022 tiếp tục tăng lên 34,6% từ 33,2% nhờ quản lý chi phí tiếp tục được cải thiện.

Cập nhật dự án đầu tư

VSC hiện có 2 dự án đầu tư, nhưng HSC không bao gồm 2 dự án này trong mô hình dự báo do thiếu hụt thông tin.

Chi tiết thông tin về các dự án như sau:

  • CTCP cảng cạn Quảng Bình – Đình Vũ: VSC đang đàm phán mua 100% cổ phần tại cảng cạn này trước cuối Q2/2022. Cảng có vốn điều lệ là 432 tỷ đồng và do CTCP xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS – Không xếp hạng) sở hữu 98,63% cổ phần. Giá trị giao dịch ước tính vào khoảng 500 tỷ đồng.
  • Cảng cạn này đã bắt đầu hoạt động từ Q2/2019 nhưng KQKD cho đến nay không khả quan do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và cạnh tranh cao tại khu vực Hải Phòng. Trong năm 2020 và 2021, doanh thu của cảng chỉ đạt lần lượt 4 tỷ đồng và 10 tỷ đồng, do QBS không thể mang về khách hàng vì thiếu kinh nghiệm trong ngành logistic.
  • Tuy nhiên, với cơ sở khách hàng và kinh nghiệm lâu năm trong ngành, VSC có thể sẽ nhanh chóng đẩy mạnh hiệu suất hoạt động và thúc đẩy doanh thu của cảng. Lưu ý, các kho của VSC đang hoạt động với công suất gần như tối đa và cảng cạn này sẽ giúp Công ty mở rộng gần gấp đôi diện tích kho bãi lên 38,5ha từ 20ha hiện tại. Điều này có thể gây ra rủi ro KQKD thực tế vượt dự báo của chúng tôi.
  • Đầu tư tại CTCP Vinalines Đình Vũ (VDV): VSC đã mua 36% cổ phần tại VDV trong năm 2021 với giá trị giao dịch là 392 tỷ đồng. Cảng này hiện đang trong quá trình thi công và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ cuối Q2/2022 hoặc Q3/2022; được kỳ vọng sẽ giúp VSC mở rộng công suất cảng biển. Tuy nhiên, VDV nhiều khả năng sẽ lỗ trong năm đầu hoạt động do hiệu suất hoạt động thấp và dư thừa nguồn cung tại khu vực Hải Phòng. Điều này có thể gây ra rủi ro KQKD thực tế thấp hơn so với dự báo của chúng tôi.

Duy trì dự báo, khuyến nghị và giá mục tiêu

Lợi nhuận trong Q1/2022 của VSC đã tăng mạnh, nhưng vẫn sát với dự báo của chúng tôi. HSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm lại trong các quý tới. Do tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn ở mức thấp trong Q1/2021 và bắt đầu cải thiện mạnh từ Q2/2021, chúng tôi cho rằng tỷ suất lợi nhuận trong Q2/222 sẽ không tăng đáng kể so với cùng kỳ.

HSC duy trì dự báo lợi nhuận thuần trong năm 2022, 2023 và 204 sẽ tăng trưởng lần lượt 14%, 9% và 5%. VSC hiện đang giao dịch với EV/EBITDA trượt dự phóng 1 năm là 5,9 lần, so với mức bình quân trong quá khứ là 5,4 lần (tính từ tháng 1/2015). Chúng tôi duy trì khuyến nghị Nắm giữ với giá mục tiêu là 46.700đ.