Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Ghi nhận lỗ ròng quý thứ 2 liên tiếp trong quý 4/2022

Nguồn: VCSC

Ghi nhận lỗ ròng quý thứ 2 liên tiếp trong quý 4/2022

 

HPG

 

  • CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố KQKD quý 4/2022 chính thức phù hợp với KQKD sơ bộ được công bố vào ngày 19/01, bao gồm doanh thu đạt 25,8 nghìn tỷ đồng (-42% YoY & 24% QoQ) và lỗ ròng 2,1 nghìn tỷ đồng, so với LNST sau lợi ích CĐTS 7,4 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2021 và lỗ ròng 1,8 nghìn tỷ đồng trong quý 3/2022.
  • Mặc dù sản lượng thép tiêu thụ tăng trưởng tích cực trong suốt năm 2022, chúng tôi chủ yếu cho rằng KQKD quý 4/2022 yếu là do chi phí tồn kho cao trong nửa cuối năm 2022 do xu hướng bất lợi của cả giá nguyên liệu đầu vào và giá bán đầu ra.
  • Trong cả năm 2022, HPG báo cáo doanh thu đạt 141,4 nghìn tỷ đồng (-6% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 8,5 nghìn tỷ đồng (-75% YoY), hoàn thành 109% và 92% dự báo cả năm của chúng tôi trong năm 2022, như đã nêu trong Báo cáo cập nhật gần nhất của chúng tôi, ngày 22/11/2022.
  • Do lợi nhuận năm 2022 của HPG thấp hơn dự báo, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm đối với dự báo lợi nhuận cả năm 2023 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Sản lượng bán năm 2022 tăng trưởng mạnh dù những khó khăn trên thị trường bất động sản trong nước. Chi tiết sản lượng bán năm 2022 của từng sản phẩm như sau: 4,2 triệu tấn thép xây dựng (+10% YoY — hoàn thành 112% dự báo của chúng tôi), 2,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/HRC (+1% YoY) — hoàn thành 105% dự báo của chúng tôi), 750.000 tấn ống thép (+11% YoY — hoàn thành 107% dự báo của chúng tôi) và 328.000 tấn tôn mạ (-23% YoY — hoàn thành 109% dự báo của chúng tôi). Doanh thu cả năm 2022 của HPG cao hơn kỳ vọng của chúng tôi chủ yếu nhờ doanh số thép xây dựng trong tháng 12/2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt 358.000 tấn (đi ngang so với cùng kỳ năm trước; +71% so với tháng 10/2022 & +42% so với tháng 11/2022). Chúng tôi lưu ý rằng nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước chậm lại trong tháng 10 - tháng 11/2022 trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước gặp nhiều khó khăn. Sản lượng bán thép xây dựng trong tháng 10/2022 của HPG là 210.000 tấn (giảm 55% YoY).

Chi phí đầu vào trung bình cao do giá bán trung bình (ASP) giảm là lực cản lớn đối với biên lợi nhuận năm 2022. Chi phí trung bình cho lượng than tồn kho đầu vào của HPG vẫn ở mức cao trong suốt nửa cuối năm 2022 — ngay cả khi giá than có sự điều chỉnh mạnh trong quý 3/2022 do nhu cầu toàn cầu giảm. Giá quặng sắt và giá than cốc lần lượt giảm hơn 40% và 50% kể từ mức  đỉnh năm 2022 vào tháng 4 và tháng 3. Trong khi đó, giá thép xây dựng của HPG tính đến cuối năm 2022 đã giảm 22% so với mức cao vào tháng 3/2022. Tình hình thị trường này khiến các nhà sản xuất thép bị ảnh hưởng với chi phí mua đầu vào cao trong khi doanh số chậm lại và/hoặc giá bán giảm dẫn đến biên lợi nhuận gộp giảm. Chúng tôi cũng lưu ý rằng khoản dự phòng cho hàng tồn kho của HPG là 1.2 nghìn tỷ đồng (5,2 lần so với cuối năm 2021) vào năm 2022 — tương đương với 1.0 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng hàng tồn kho đã ghi nhận trong cả năm năm 2022. Tổng lượng hàng tồn kho của HPG giảm 39% còn 35,7 nghìn tỷ đồng từ mức cao kỷ lục 58,3 nghìn tỷ đồng vào giữa năm 2022, phản ánh quá trình giảm lượng hàng tồn kho của công ty trong suốt nửa cuối năm 2022, dẫn đến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2022.

Chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp (SG&A) tăng mạnh trong quý 4/2022, điều này càng ảnh hưởng đến lợi nhuận. Chi phí SG&A/doanh thu của HPG tăng lên 4,1% so với mức 2,7% trong quý 3/2022 – quý 4/2021, chủ yếu do doanh thu giảm và chi phí tăng từ hoạt động xuất khẩu và các dịch vụ thuê ngoài khác.

Quý 4/2022 ghi nhận một khoản lãi tỷ giá nhỏ, nhưng KQKD cả năm 2022 lại bị ảnh hưởng do lỗ tỷ giá. HPG đã ghi nhận khoản lãi ròng tỷ giá là 361 tỷ đồng trong quý 4/2022 so với 3 khoản lỗ ròng tỷ giá hàng quý liên tiếp trong quý 1-quý 3/2022. Trong cả năm 2022, HPG ghi nhận khoản lỗ ròng tỷ giá đạt 1,9 nghìn tỷ đồng.