Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Lỗ kỷ lục do tỷ suất lợi nhuận giảm và lỗ tỷ giá

Nguồn: HSC

Lỗ kỷ lục do tỷ suất lợi nhuận giảm và lỗ tỷ giá

 

HPG

 

Tóm tắt

  • KQKD Q3/2022 của HPG gây thất vọng, thấp hơn đáng kể so với dự báo của chúng tôi do tỷ suất lợi nhuận thấp hơn dự báo (do chi phí đầu vào cao) và lỗ tỷ giá.
  • HPG lỗ thuần 1,8 nghìn tỷ đồng trong kỳ với doanh thu thuần giảm 11,8% xuống 34,1 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận thuần 9 tháng đầu năm 2022 giảm 61,3%.
  • Nếu không bao gồm khoản mục không thường xuyên, lỗ cốt lõi của HPG là 625 tỷ đồng (so với lợi nhuận cốt lõi là 10,1 nghìn tỷ đồng trong Q3/2021). Đây là lần thứ 2 HPG ghi nhận lỗ hàng quý của hoạt động cốt lõi kể từ khi thành lập. Trong 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận cốt lõi giảm 50%.
  • HSC tin rằng lợi nhuận Q4 sẽ cải thiện so với quý trước, nhờ hàng tồn kho giá rẻ hơn. Do P/B của HPG đang tiệm cận mức thấp kỷ lục, chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào.

Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2022

HPG công bố KQKD Q3/2022 ảm đạm với lỗ thuần kỷ lục 1.774 tỷ đồng (so với dự báo của chúng tôi là lãi thuần 1.002 tỷ đồng), giảm mạnh so với mức lãi cao kỷ lục là 10.352 tỷ đồng trong Q3/2021 và 4.032 tỷ đồng trong Q2/2022. Nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận thuần sụt giảm mạnh bao gồm: (1) chi phí nguyên liệu đầu vào cao; (2) nhu cầu thấp; (3) giá bán bình quân giảm mạnh; (4) lãi suất tăng (làm tăng chi phí tài chính); và (5) USD tăng giá (gây ra lỗ tỷ giá).

Lỗ cốt lõi trong Q3/2022 (không bao gồm lỗ tỷ giá là 1,0 nghìn tỷ đồng và khoản dự phòng hàng tồn kho 137 tỷ đồng) là 625 tỷ đồng (so với lãi 10,1 nghìn tỷ đồng trong Q3/2021 và 5,7 nghìn tỷ đồng trong Q2/2022). Trong khi đó, lợi nhuận cốt lõi 9 tháng đầu năm 2022 của HPG giảm 50% so với cùng kỳ.

Giá bán bình quân giảm mạnh khiến doanh thu thuần giảm so với cùng kỳ

Lưu ý, HPG bán 1,98 triệu tấn thép trong Q3/2022, giảm 2% so với cùng kỳ và 3% so với quý trước, chủ yếu do sản lượng tiêu thụ tôn giảm mạnh. Các sản phẩm thép khác cải thiện so với cùng kỳ, cả thép xây dựng và ống thép tăng nhẹ từ mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái (ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa) trong khi HRC đi ngang so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, giá bán bình quân giảm mạnh đối với HRC và thép xây dựng khiến doanh thu thuần giảm trong kỳ. Giá HRC trong Q3/2022 chỉ là 706 USD/tấn (giảm 27,4% so với cùng kỳ từ mức 927 USD/tấn trong Q3/2021), trong khi giá thép xây dựng giảm 3,1% so với cùng kỳ xuống 15,6 triệu đồng/tấn. Doanh thu Q3/2022 mảng thép giảm mạnh 11,6% so với cùng kỳ và 9,5% so với quý trước xuống 32.256 tỷ đồng, đóng góp 94,6% doanh thu thuần.

Từ đó, doanh thu thuần Q3/2022 là 34.103 tỷ đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ và 8,9% so với quý trước. Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2022 đạt 115.584 tỷ đồng (tăng 10,1% so với cùng kỳ), đạt 81,8% dự báo doanh thu cả năm 2022 của chúng tôi.

Tỷ suất lợi nhuận thấp do hàng tồn kho giá cao

Lợi nhuận gộp Q3/2022 chỉ là 1.001 tỷ đồng (giảm 91,6% so với cùng kỳ và 84,7% so với quý trước), tương đương lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2022 là 17.649 tỷ đồng (giảm 44% so với cùng kỳ). Tỷ suất lợi nhuận gộp của HPG thấp kỷ lục trong Q3/2022 chỉ là 2,9%, so với 30,7% trong Q3/2021 và 17,5% trong Q2/2022, chủ yếu do chi phí nguyên liệu đầu vào cao.

Lưu ý, HPG có lượng hàng tồn kho lớn với tổng giá trị là 57,6 nghìn tỷ đồng vào cuối Q2/2022. Trong khi đó, giá than cốc giao ngay thời điểm đó giao dịch với mức giá cao kỷ lục hơn 400 USD/tấn. Do đó, trong Q3/2022, HPG đã nỗ lực giảm lượng hàng tồn kho nguyên liệu (với lượng lớn giá cao), và điều này cũng phản ánh vào KQKD của Công ty.

Vào cuối Q3/2022, hàng tồn kho giảm xuống 43.880 tỷ đồng (giảm 24% so với quý trước), do chi phí nguyên liệu đầu vào và lượng hàng tồn kho giảm (chủ yếu là nguyên liệu thô). Hàng tồn kho cuối Q3/2022 tương đương với 4 tháng sản xuất, giảm từ 5,4 tháng vào cuối Q2/2022. Lưu ý, HPG cũng trích lập dự phòng hàng tồn kho 137 tỷ đồng trong kỳ.

HRC nhiều khả năng lỗ do hiệu suất hoạt động thấp

Ngoài ra, hiệu suất hoạt động của nhà máy trong Q3/2022 giảm xuống chỉ còn 72% trong tháng 9/2022, so với mức đỉnh là 104% trong tháng 5/2022. Nếu chỉ tính riêng tổ hợp Dung Quất, hiệu suất hoạt động thậm chí còn thấp hơn ở mức 61% trong tháng 9/2022, so với 105% trong tháng 5/2022. Hiệu suất hoạt động giảm do nhu cầu các sản phẩm thép thấp, đặc biệt là HRC.

Cùng với việc giá HRC giảm mạnh, chúng tôi tin rằng HRC là sản phẩm lỗ chính trong Q3/2022, trong khi thép xây dựng vẫn có lãi trong kỳ.

Ghi nhận lỗ tỷ giá lớn

Lưu ý, HPG lỗ tỷ giá thuần 1.013 tỷ đồng trong Q3/2022 do USD tăng giá mạnh. HPG có 1,27 tỷ USD vay ngân hàng tính đến cuối Q2/2022 và dư nợ bằng đồng USD vẫn ở mức khoảng 1,1-1,2 tỷ USD tính đến cuối Q3/2022. Do đó, HPG ghi nhận khoản lỗ tài chính thuần là 1.423 tỷ đồng trong Q3/2022 so với lỗ chỉ 89 tỷ đồng trong Q3/2021.

Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng tăng 23,9% so với cùng kỳ và 16,6% so với quý trước lên 837 tỷ đồng. Lưu ý, tổng dư nợ ngân hàng ở mức 65,5 nghìn tỷ đồng vào cuối Q3/2022, so với 70 nghìn tỷ đồng vào cuối Q2/2022, HPG đã giảm dư nợ ngắn hạn, thường dùng để tài trợ vốn lưu động. Tỷ lệ nợ thuần/vốn CSH vẫn ổn định ở mức 0,27 lần.

Nhu cầu tiếp tục giảm có thể khiến một số lò cao sẽ phải đóng cửa

Như đã đề cập, hiệu suất hoạt động của tổ hợp Dung Quất hiện đang ở mức thấp kỷ lục kể từ khi đi vào hoạt động. Nhu cầu tháng 10/2022 thậm chí còn thấp hơn so với tháng 9/2022. Do đó, chúng tôi ước tính hiệu suất hoạt động của tổ hợp Dung Quất sẽ giảm xuống dưới 60% nếu nhu cầu tiếp tục giảm trong vài tháng tới.

Với tình hình hiện tại, có rủi ro HPG sẽ xem xét dừng hoạt động một trong số các lò cao tại tổ hợp Dung Quất vào cuối năm 2022, bên cạnh kế hoạch nâng cấp dây chuyền sản xuất HRC. Công ty cần tính toán ưu và nhược điểm của 2 phương án: (1) lỗ nếu các nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động nhưng với hiệu suất thấp; và (2) đóng một số lò cao để giảm chi phí hoạt động ngắn hạn (nhưng cũng sẽ làm tăng một số chi phí khi đưa các lò cao này đi vào hoạt động trở lại).

BLĐ cho biết sẽ lựa chọn giải pháp kinh tế tốt hơn giữa 2 phương án. Nếu bắt buộc phải đóng cửa một trong số các lò cao, HPG có thể sẽ tận dụng cơ hội để nâng cấp và bảo trì nhà máy. Chúng tôi sẽ cập nhật về vấn đề này khi có thêm thông tin.

Lưu ý, cả POM (top 5 nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam) và VNSteel (công ty nhà nước) đều đã thông báo sẽ đóng cửa một trong số những nhà máy của các công ty này gần đây. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu là 28.300đ (tiềm năng tăng giá là 69%).

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với HPG do chúng tôi tin rằng lợi nhuận Q4/2022 sẽ hồi phục so với quý trước. HPG đang giao dịch với P/B chỉ là 0,94 lần, so với mức thấp kỷ lục là 0,73 lần trong năm 2012. NĐT có thể cân nhắc tích lũy cổ phiếu khi định giá tiệm cận mức P/B thấp kỷ lục.